‘Ông lớn’ Singapore đề xuất đầu tư 5 dự án tại tỉnh đặt 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Theo đề xuất, các dự án gồm dự án cải tạo đất và phân bón; dự án năng lượng mặt trời; dự án hợp tác phát triển viên nén gỗ…
Theo Báo Đầu tư, ông Wong Shang Ling - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Environmental Landscape Pte Ltd (EL) vừa có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định để tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Tại buổi làm việc, ông Wong Shang Ling cho biết Công ty EL (có trụ sở tại Singapore) đã hoạt động trong lĩnh vực công nghệ  bền vững suốt 35 năm với các hoạt động chính gồm khai thác năng lượng mặt trời để sản xuất điện, sử dụng vi sinh vật để sản xuất chất cải tạo đất, tái chế chất thải thành các sản phẩm có thể sử dụng và xử lý nước để tạo ra nước uống hoặc nước thải tái sử dụng.
Đáng chú ý, công ty hiện chiếm 44% thị phần xử lý rác cảnh quan tại Singapore, khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Tại Bình Định, ông Wong Shang Ling đề xuất triển khai năm dự án.
Cụ thể, dự án Cải tạo đất và phân bón với giai đoạn thử nghiệm thí điểm 10ha ruộng lúa; dự án Năng lượng mặt trời kết hợp nuôi tôm - chế biến thủy sản gắn với Khu nông nghiệp công nghệ cao phát triển tôm Mỹ Thành; dự án Hợp tác phát triển viên nén gỗ, than sinh học; dự án Cụm công nghiệp tái tạo đa chức năng với đề xuất diện tích 70ha tại huyện Phù Cát và dự án Khu công nghiệp năng lượng mặt trời, bao gồm một trang trại điện mặt trời - nước với công suất 18GWp.
Về các đề xuất này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các Sở, ngành liên quan hỗ trợ, trong đó giới thiệu một số đối tác có năng lực sản xuất phân bón hữu cơ tại Bình Định để hợp tác với Công ty EL triển khai dự án Cải tạo đất và phân bón, đồng thời giới thiệu các khu, cụm công nghiệp phù hợp để doanh nghiệp lựa chọn địa điểm thực hiện dự án Hợp tác phát triển viên nén gỗ, than sinh học.
Đối với dự án Cụm công nghiệp tái tạo đa chức năng, UBND tỉnh đề xuất Công ty EL triển khai tại Cụm công nghiệp Cát Hanh (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) sau khi CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Nhơn Hội hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật của cụm công nghiệp này.
Riêng dự án Năng lượng mặt trời kết hợp nuôi tôm - chế biến thủy sản và dự án Khu công nghiệp năng lượng mặt trời, lãnh đạo tỉnh đề nghị nhà đầu tư tiếp tục khảo sát, xây dựng kế hoạch cụ thể và đề xuất diện tích đất phù hợp với quỹ đất hiện có của tỉnh.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam có chiều dài 1.541km với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Tuyến đường sắt đi qua 20 tỉnh, thành phố. Mỗi địa phương được bố trí 1 nhà ga; bên cạnh đó, có 3 tỉnh có tới 2 nhà ga. Trong đó, Bình Định là một trong 3 địa phương được bố trí sắp xếp 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Cụ thể, 2 ga ở Bình Định gồm ga Bồng Sơn được đặt tại thị xã Hoài Nhơn và ga Diêu Trì tại huyện Tuy Phước.
>> Liên danh Coteccons - FECON trúng gói thầu hơn 3.100 tỷ tại sân bay lớn nhất Việt Nam