Ông Nguyễn Đức Tài cho rằng "tốc độ, dịch vụ và hậu mãi sẽ là những khác biệt giữa TMĐT của chúng tôi với các sàn".
Tháng 4/2022, TikTok Shop chính thức gia nhập thị trường Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho ngành thương mại điện tử (TMĐT) tại đây. Với 49,9 triệu người dùng, TikTok Shop ngay lập tức thu hút một lượng lớn khách hàng tiềm năng. Người dùng vào TikTok để giải trí, nhưng kết thúc bằng việc mua sắm, một hành vi mà đại diện TikTok Việt Nam, ông Nguyễn Lâm Thanh, gọi là mua sắm "trong cơn hưng phấn".
Các phiên livestream bán hàng trên TikTok Shop mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng. Đáng chú ý, vợ chồng Quyền Leo Daily đã thiết lập kỷ lục doanh thu 100 tỷ đồng trong một phiên livestream, bán đa dạng sản phẩm từ mỹ phẩm, đồ gia dụng đến đồ điện tử. Điều này cho thấy sức mạnh và tầm ảnh hưởng của xu hướng mua sắm kết hợp giải trí.
FPT Shop là nhà bán lẻ điện tử, điện thoại đầu tiên gia nhập làn sóng livestream trên TikTok Shop. Trong phiên livestream bán iPhone 15 series kéo dài 15 tiếng vào cuối tháng 9/2023, FPT Shop đã thu về 1 triệu USD cùng nhiều kết quả ấn tượng khác. Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài của Thế Giới Di Động cũng nhận định rằng TMĐT là một xu hướng không thể đảo ngược và cam kết rằng tập đoàn sẽ thích ứng với sự thay đổi này.
Tại cuộc họp với nhà đầu tư quý I/2024, ông Nguyễn Đức Tài tiết lộ rằng Thế Giới Di Động sẽ mở một "cánh quân" mới về TMĐT, ông cũng tiết lộ có thể dự án này sẽ mang tên là TMĐT V.I.P.
Ông cũng hé lộ về Bách Hóa Xanh: ''Chúng tôi đang thực hiện những thay đổi rất lớn cho kênh online. Thay đổi này sẽ mất vài tháng để có thể xử lý những phát sinh''.
Ông Nguyễn Đức Tài tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 |
>> Thế Giới Di Động tiếp tục chia tay thêm 4.900 nhân viên trong 3 tháng đầu năm 
Theo ông Tài, TMĐT của Thế Giới Di Động muốn mang tới cho khách hàng là tập trung vào dịch vụ, sự hài lòng của khách hàng và tốc độ giao hàng.
Ví dụ, khi mua một sản phẩm trên TMĐT V.I.P của Thế Giới Di Động, nếu khách hàng không hài lòng, sẽ có người đến trả tiền ngay và không cần lấy lại sản phẩm. Điều này khác biệt so với TMĐT truyền thống, nơi khách hàng phải chờ đợi và gặp nhiều khó khăn nếu muốn trả hàng.
"Đối với TMĐT truyền thống, khi muốn mua một chiếc máy xay sinh tố, các bạn đặt hàng và chờ lúc nào đó có người giao hàng đến, nếu muốn trả hàng cũng vất vả.
Đối với TMĐT V.I.P của Thế Giới Di Động, ví dụ khi các bạn mua trái sầu riêng trên ứng dụng của Bách Hóa Xanh mà lỡ ăn không thấy ngon, sẽ có người sẵn sàng trả tiền cho các bạn ngay và luôn, thậm chí không lấy trái sầu riêng đó về nữa".
"Các bạn sẽ có dịch vụ rất khác biệt so với việc ai đó gọi điện tới, mặc dù bạn đang ở công ty họ cũng hối rằng nếu không về lấy là họ sẽ trả hàng về kho. Thế Giới Di Động muốn tách mình ra khỏi TMĐT bình thường đó".
Từ những ý trên, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng "tốc độ, dịch vụ và hậu mãi sẽ là những khác biệt giữa TMĐT của chúng tôi với các sàn".
Xu hướng shoppertainment đã tạo ra một làn sóng mới trong ngành TMĐT tại Việt Nam, đặc biệt khi các ông lớn ngành bán lẻ bắt đầu ra nhập ''sân chơi'' này. Thị trường TMĐT Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang đến nhiều trải nghiệm mua sắm tiện ích và thú vị cho người tiêu dùng.