'Ông trùm' gia vị Việt khởi nghiệp tuổi 50: ‘Tư duy không cần bằng rất có hại, không đất nước nào đi làm chân tay mà giàu lên được'
Sếp Nguyễn Trung Dũng cho rằng: ‘Tất cả những nước giàu ở châu Á đều đi lên từ con đường giáo dục'.
"Whose Chance – Cơ hội cho ai ?" là một chương trình truyền hình thực tế để lại rất nhiều dấu ấn với nhiều bài học, câu chuyện tuyển dụng giữa ứng viên và những nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn ở Việt Nam. Trong tập 12 của chương trình vào mùa 4, đã xuất hiện 2 ứng viên có "profile" nổi bật.
Mai Thanh Vũ, 39 tuổi đến từ Kiên Giang tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Marketing của Đại học Tài chính - Marketing. Thời điểm xuất hiện tại chương trình, anh là Tiếp viên trưởng của một hãng hàng không  tại Việt Nam. Thanh Vũ có 12 năm làm trong ngành Dịch vụ hàng không với nhiều vị trí như: Quản lý dịch vụ trong chuyến bay, chuyên viên đánh giá chất lượng khoang hàng khách. Đến với chương trình, ứng viên Mai Thành Vũ muốn tìm kiếm công việc liên quan đến Quản trị dịch vụ hoặc Xây dựng dịch vụ.
Đối đầu với Mai Thanh Vũ là Vũ Thị Tuyết Hương, 36 tuổi đến từ TP HCM tốt nghiệp chuyên ngành Kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại thương. Ứng viên có tới hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán hàng, Marketing quốc tế cho ngành hàng tiêu dùng nhanh, từng quản lý đội nhóm đạt doanh số xuất khẩu 350.000 USD/tháng trong 3 tháng liên tiếp khối châu Á và nhiều giải thưởng, thành tích nổi bật khác trong công việc. "Whose Chance – Cơ hội cho ai?" mùa 4, Tuyết Hương muốn tìm kiếm vị trí Sale marketing quốc tế.
Những góc nhìn khác nhau về bằng cấp
Với chủ đề “Bạn có cho rằng kinh nghiệm làm việc quan trọng hơn bằng cấp?”, các ứng viên đã đưa ra những góc nhìn cá nhân về chủ đề được chương trình đưa ra.
Ứng viên Mai Thanh Vũ đánh giá cao vai trò của bằng cấp. Anh định nghĩa “Bằng cấp là các loại giấy tờ chứng nhận như bằng đại học, giấy phép lái xe hay giấy khen cũng được gọi là bằng cấp. Một số ngành nghề đặc thù bắt buộc phải có bằng cấp như ngành hàng không, bác sĩ,... Bằng cấp là căn cứ chứng minh việc người học đã hoàn thành chương trình đào tạo và đáp ứng đầy đủ điều kiện của ngành và cơ sở đào tạo đề ra”.
Trước ý kiến của Thanh Vũ, ứng viên Vũ Thị Tuyết Hương đặt câu hỏi: “Theo số liệu thống kê, có đến 13% sinh viên sau khi ra trường có bằng cấp nhưng không tìm được việc làm. Các doanh nghiệp hầu như không muốn tuyển dụng lao động không có kinh nghiệm. Vậy, kinh nghiệm có phải là yếu tố để doanh nghiệp lựa chọn ứng viên”.
Trước câu hỏi này, Mai Thanh Vũ thẳng thắn: “Đương nhiên kinh nghiệm là yếu tố cần thiết nhưng bằng cấp là yếu tố bắt buộc để thỏa mãn những yêu cầu đầu vào của doanh nghiệp. Bằng cấp là chứng cứ hữu hình về năng lực chuyên môn của lao động đối với vị trí ứng tuyển”.
Cùng bày tỏ về chủ đề trên, ứng viên Vũ Thị Tuyết Hương lại cho rằng bằng cấp và kinh nghiệm là hai yếu tố song hành: “Kinh nghiệm và bằng cấp nên đi cùng nhau. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, sức nặng của bằng cấp và kinh nghiệm có thể thay đổi. Vì vậy, cần đánh giá tầm quan trọng của bằng cấp và kinh nghiệm dựa trên vị trí tuyển dụng và yêu cầu của doanh nghiệp”.
Trả lời câu hỏi của Thanh Vũ, Ngọc Mai bày tỏ: “Dưới góc độ một nhà tuyển dụng, mình sẽ cần nhắc giữa việc lựa chọn giữa một người có bằng cấp và một người có kinh nghiệm. Tôi nhận thấy có nhiều lao động là các sinh viên mới ra trường dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng khả năng học hỏi nhanh cùng với khả năng thích ứng tốt sẽ nhanh chóng bắt kịp công việc”.
“Nên có bằng cấp để đất nước thay đổi được”
Trước những ý kiến khác nhau về tầm quan trọng của bằng cấp và kinh nghiệm, Sếp Vũ Minh Trí cho rằng: ‘Các bạn cần có sự phân biệt giữa một số ngành nghề cần có chuyên môn cứng, cần được đào tạo chính quy và có bằng cấp, ví dụ như bác sĩ, kỹ sư, phi công,..
Tuy vậy, vẫn có những ngành như Quản trị kinh doanh, Marketing,... Đặc thù của những ngành này là có tốc độ thay đổi nhanh đến mức kiến thức được học trên lý thuyết có thể sẽ không theo kịp. Đối với những vị trí công việc như trên lại yêu cầu rất cao về kinh nghiệm.
CEO của Asim Telecom cũng chia sẻ thêm: “Rất nhiều sinh viên vừa ra trường lại tiếp tục học MBA (Thạc sĩ Quản trị kinh doanh) là hoàn toàn không có tác dụng. Việc học lên cao mà chưa có trải nghiệm từ thực tế công việc không đem lại hiệu quả thực sự”.
Sếp Nguyễn Trung Dũng - CEO Dh Foods bày tỏ quan điểm: “Tư duy nói là không cần bằng rất có hại. Có những người xuất chúng vẫn có thể thành công mà không cần bằng cấp nhưng trường hợp này rất hiếm. Tất cả những nước giàu ở châu Á đều đi lên từ con đường giáo dục. Không có đất nước nào đi làm chân tay mà giàu lên được. Khi hiểu rộng ra, với cá nhân có thể hoặc không có bằng cấp nhưng với một đất nước nên học, nên có bằng cấp để đất nước thay đổi được”.
Kết quả cuối cùng, ứng viên Vũ Thị Tuyết Hương được 3/5 Sếp lựa chọn và bước vào vòng 2, trong khi Mai Thanh Vũ chỉ có 2/5 Sếp chọn.
Trên thương trường Việt Nam, CEO Dh Foods Nguyễn Trung Dũng được nhiều người biết đến với câu chuyện khởi nghiệp ở tuổi 50.
Chuỗi ngày khởi nghiệp đối với ông kéo hơn 3 thập kỷ với 3 lần khởi nghiệp ở Ba Lan. Trong đó, lần 1 khi tốt nghiệp đại học năm 1989, lần 2 khi chia tay các cổ đông năm 1992, lần 3 sau khi bán công ty cho đại gia người Ukraina năm 2002 và lần 4 khi về Việt Nam khởi nghiệp với Dh Foods sau khi nghỉ ở Công ty hàng tiêu dùng vào năm 2012.