Tài chính quốc tế

Ông Trump 'đạp phanh' thuế quan, niềm tin Phố Wall vẫn trượt dốc

Trạch Dương 10/04/2025 18:17

Chứng khoán châu Á bật tăng trong phiên 10/4 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố tạm hoãn áp thuế mới với hàng loạt quốc gia. Tuy nhiên, niềm tin vào Phố Wall chưa trở lại khi các hợp đồng tương lai lao dốc, trái phiếu tiếp tục biến động và làn sóng bán tháo cổ phiếu Mỹ chưa dừng lại.

Thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch ngày ngày 10/4, khi đợt bán tháo trái phiếu có dấu hiệu lắng xuống. Sự ổn định tạm thời này đến sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tạm thời hạ mức thuế quan cao vừa áp đặt đối với hàng chục quốc gia.

Tuyên bố này được đưa ra sau nhiều ngày thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển mạnh. Hàng nghìn tỷ USD đã bị cuốn khỏi các sàn chứng khoán, khiến trái phiếu kho bạc Mỹ lẫn đồng USD mất giá mạnh.

Phố Wall chưa ổn

Vào ngày thứ Tư, ông Trump bất ngờ tuyên bố sẽ tạm dừng áp dụng một loạt mức thuế quan mới trong vòng 90 ngày - động thái được xem như cú đảo chiều gây sốc.

Dù vậy, thị trường hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ và đồng USD lại không phục hồi nhanh chóng, dù đêm trước đó Phố Wall đã tăng vọt. Nguyên nhân được cho là do niềm tin của giới đầu tư vào các chính sách dần mất đi, dẫn đến làn sóng “bán cổ phiếu Mỹ” lan rộng.

Martin Whetton - Giám đốc chiến lược thị trường tài chính tại Westpac - nhận định: “Thế giới, cả về chính trị lẫn tài chính đang kinh hoàng chứ không phải ngạc nhiên trước các chính sách, thị trường trái phiếu hỗn loạn. Các nhà đầu tư đặt dấu hỏi lớn về uy tín dài hạn của chính quyền sau khi liên tục thay đổi chính sách kinh tế lớn nhất về thuế quan”.

Mặc dù các chỉ số Nasdaq và S&P 500 ghi nhận mức tăng phần trăm trong ngày lớn nhất trong hơn một thập kỷ vào thứ Tư, hợp đồng tương lai Nasdaq lại giảm hơn 1%, còn hợp đồng tương lai S&P 500 giảm 0,75% trong phiên giao dịch sáng thứ Năm.

Ông Trump 'đạp phanh' thuế quan, niềm tin Phố Wall vẫn trượt dốc ảnh 1
Phố Wall lo lắng trước tình hình bất ổn.

Trên thị trường tiền tệ, đồng USD mất giá 0,7% so với đồng yên Nhật và 0,6% so với franc Thụy Sĩ - hai đồng tiền được coi là nơi trú ẩn an toàn. Điều này phản ánh rõ tâm lý không chắc chắn của giới đầu tư về triển vọng dài hạn.

Ông Khoon Goh - Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại ANZ - cho rằng: “Đợt phục hồi ban đầu chỉ là kết quả của việc bán khống ồ ạt. Điều đó mang lại chút không gian để thở cho thế giới - ngoại trừ Trung Quốc - vì thị trường đang dần định giá theo kịch bản xấu nhất”.

Đợt bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ kéo dài suốt tuần qua đã tạm thời giảm bớt vào thứ Năm. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm còn 4,2774%, sau khi chạm đỉnh 4,5150% trong phiên trước đó - tăng khoảng 13 điểm cơ bản.

Đà bán tháo này khiến nhiều nhà đầu tư liên tưởng đến cuộc “chạy đua kiếm tiền” từng xảy ra thời COVID-19. Lawrence Gillum - chiến lược gia trưởng tại LPL Financial - liệt kê các nguyên nhân chính: “Lạm phát cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kiên định chính sách, người mua nước ngoài rút lui, các quỹ đầu cơ giảm đòn bẩy, dòng tiền chuyển từ trái phiếu sang tiền mặt và thanh khoản thấp là những yếu tố khiến lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng”.

Theo biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed, các nhà hoạch định chính sách không có ý định cắt giảm lãi suất sớm. Họ cho rằng các mức thuế quan mới có thể đẩy lạm phát tăng trở lại, mặc dù điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.

Hiện tại, thị trường chỉ còn kỳ vọng mức cắt giảm lãi suất khoảng 80 điểm cơ bản vào tháng 12 - giảm so với mức 100 điểm cơ bản vào đầu tuần.

Trong khi đó, giá dầu quay đầu giảm do lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ leo thang. Ngược lại, giá vàng giao ngay tiếp tục tăng, vọt thêm 1,5% và đạt mức 3.128,92 USD/ounce, phản ánh rõ tâm lý phòng vệ rủi ro của giới đầu tư toàn cầu.

Tác động và rủi ro tiềm tàng đến thị trường châu Á

Trên các sàn chứng khoán, thị trường Nhật Bản và châu Âu trở thành điểm sáng. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng vọt tới 8%Hợp đồng tương lai EUROSTOXX 50 và DAX cùng tăng khoảng 8%. Hợp đồng tương lai FTSE của Anh cũng ghi nhận mức tăng 5,4%.

Tuy nhiên, động thái nhượng bộ về thuế quan của ông Trump không hoàn toàn triệt để. Nhà Trắng cho biết mức thuế 10% đối với phần lớn hàng nhập khẩu Mỹ vẫn tiếp tục có hiệu lực. Thuế đã áp đối với ô tô, thép và nhôm cũng không thay đổi.

Ông Trump tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc khi tuyên bố sẽ nâng thuế lên 125% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc - tăng từ mức 104%, bắt đầu có hiệu lực từ thứ Tư.

Trung Quốc đáp trả ngay lập tức, nâng mức thuế với hàng Mỹ lên tới 84%, đồng thời áp đặt các hạn chế đối với 18 công ty Mỹ - chủ yếu trong lĩnh vực quốc phòng.

Ông Trump 'đạp phanh' thuế quan, niềm tin Phố Wall vẫn trượt dốc ảnh 2
Thị trường châu Á vẫn chưa hồi phục.

Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn đánh giá diễn biến mới này theo góc nhìn ngắn hạn, tập trung vào khoảng thời gian 90 ngày mà ông Trump "nới lỏng" thuế quan với các quốc gia khác. Tại Trung Quốc, chỉ số CSI300 tăng 1%, còn chỉ số Hang Seng của Hong Kong nhảy vọt 2,2%.

Wong Kok Hoong - Giám đốc giao dịch cổ phiếu tại Maybank - nhận định: “Ít nhất thì hoạt động thương mại toàn cầu không dừng lại hoàn toàn. Các công ty, doanh nghiệp có thêm thời gian và phương án để điều chỉnh trước khi thuế quan mới chính thức áp dụng”.

Trên thị trường tiền tệ Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ lại lao dốc mạnh, rơi xuống mức yếu nhất kể từ tháng 12/2007, giao dịch ở mức 7,3518 nhân dân tệ đổi 1 USD.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng ấn định tỷ giá trung tâm ở mức thấp nhất kể từ ngày 11/9/2023, cho thấy họ đang sẵn sàng để đồng tiền giảm giá trong biên độ cho phép 2%.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy đồng Nhân dân tệ nội địa của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ. Điều này cho thấy căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu dịu xuống.

Các loại tiền tệ châu Á khác có biến động mạnh vào thứ năm. Đồng yên Nhật tăng nhẹ 0,61% so với USD lên 146,82 sau khi yên Nhật - vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ thị trường biến động - đạt mức mạnh nhất kể từ tháng 9/2024 vào phiên trước.

Hirofumi Suzuki - chiến lược gia ngoại hối trưởng và Trưởng nhóm nghiên cứu về Kho bạc tại Sumitomo Mitsui Banking Corporation - nhận thấy đồng yên đang bị bán tháo trong khi “cổ phiếu đang được mua lại mạnh mẽ”.

Tuy nhiên, ông không kỳ vọng việc bán đồng yên Nhật tiếp tục diễn ra vì thị trường đang biến động mạnh như hiện nay.

Ở những nơi khác trong khu vực, đồng won Hàn Quốc giảm 0,72% so với USD xuống còn 1.455,82 trong khi đồng đô la Australia giảm 0,18% xuống còn 0,6141 so với USD.

Theo Reuters, CNBC

>>Chứng khoán châu Á đỏ lửa khi thuế đối ứng của Mỹ chính thức có hiệu lực, Nikkei 225 mất hơn 3%

Siêu cường châu Á bơm tỷ đô bảo vệ ngành công nghiệp ô tô trước thuế quan của ông Trump

Thủ tướng: Việt Nam tiếp tục tích cực trao đổi với phía Mỹ về thuế quan

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/ong-trump-dap-phanh-thue-quan-niem-tin-pho-wall-van-truot-doc-post1732483.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Ông Trump 'đạp phanh' thuế quan, niềm tin Phố Wall vẫn trượt dốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH