Báo cáo PCI cho biết chỉ số thành phần Tính năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền địa phương năm 2023 có dấu hiệu giảm sút so với các năm trước.
Xốc lại sự tiên phong của chính quyền tỉnh
Kết quả khảo sát 10.676 doanh nghiệp do VCCI  thực hiện khi đo chỉ số PCI 2023  cho thấy có 82,1% doanh nghiệp cho biết UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân.
77,1% doanh nghiệp vẫn ghi nhận sự năng động, sáng tạo của UBND tỉnh trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh. |
Theo VCCI, dù đây là tỷ lệ rất cao, song so với mức 86% của năm 2022, sự giảm sút trong cảm nhận của doanh nghiệp về tính linh hoạt của chính quyền địa phương là có.
Tương tự, 77,1% doanh nghiệp vẫn ghi nhận sự năng động, sáng tạo của UBND tỉnh trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh. Tỷ lệ này cũng giảm so với mức 79,7% của năm 2022.
Đáng lưu ý, 51,5% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”, tăng từ con số 50,4% của năm 2022. Chỉ 40,8% doanh nghiệp quan sát thấy “chủ trương, chính sách của tỉnh, thành phố đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động là ổn định và nhất quán” vào năm 2023, giảm đáng kể từ con số 50% năm 2022 và 53,4% năm 2021.
“Đây là năm thứ 3 liên tiếp tính năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương giảm điểm. Các chỉ số về tính năng động đang có dấu hiệu chững lại. Do đó, cần xốc lại tinh thần năng động tiên phong của chính quyền các tỉnh”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Mức độ lạc quan của kinh tế tư nhân ở mức thấp
Còn nhớ, tại lễ công Bố báo cáo PCI 2020 được tổ chức vào tháng 4/2023, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI đã dự báo, năm 2024 tiếp tục là một năm đầy khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp.
Năm 2024 tiếp tục là một năm đầy khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ: Báo Công Thương |
Thực tế, kết quả khảo sát các khó khăn này cho thấy, các doanh nghiệp phản ánh gặp nhiều khó khăn hơn so với năm 2022.
Trong số 15 loại khó khăn cụ thể được liệt kê, có tới 11 nội dung ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong năm 2023 cao hơn so với trước đó. Đó là tiếp cận tín dụng, tìm kiếm mặt bằng kinh doanh, tìm kiếm nhà cung cấp, tìm kiếm nhân sự, thực hiện thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, biến động thị trường, biến động chính sách pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo thực hiện hợp đồng và thiên tai, biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, Báo cáo PCI cũng thẳng thắn nhận định mức độ lạc quan của doanh nghiệp tư nhân ở mức thấp so với những năm trước.
>>Bí quyết giúp Quảng Ninh giữ ‘ngôi vương’ PCI 6 năm liên tiếp 
Cụ thể, chỉ 27% doanh nghiệp tư nhân cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong hai năm tiếp theo, giảm đáng kể từ con số 35% của năm 2022.
Con số 27% này cũng thấp hơn cả mức đáy trước đây là năm 2012 - 2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.
Dữ liệu khảo sát còn cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp trong khảo sát 2023 lên tới 16,2%. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 10,7% được ghi nhận trong khảo sát năm 2022 và gần bằng mức cao kỷ lục 16,6% của khảo sát 2021 khi Việt Nam còn nằm trong tâm dịch Covid-19.
“Chính trong bối cảnh này, doanh nghiệp sẽ có xu hướng trông vào sự năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.