PGS. TS Nguyễn Đức Trung: 'Nền kinh tế cũng như người ốm, cần khoảng lặng để điều chỉnh’
Theo PGS. TS Nguyễn Đức Trung, năm 2023 là một năm nhiều sóng gió và nền kinh tế hiện tại như người ốm, cần khoảng lặng để điều chỉnh.
2023 – năm với nhiều điểm sáng của kinh tế Việt Nam
Năm 2023 – một năm nhiều sóng gió đối với kinh tế  thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài những khó khăn chung. Tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đánh giá năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất  để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tín dụng dù tăng thấp vào đầu năm nhưng cả năm tăng trưởng 13,7%, tỷ giá điều chỉnh ở mức 2,89%, đầu tư công được giải ngân ở mức ấn tượng, đạt trên 81% so với kế hoạch giúp Việt Nam vượt qua nhiều cú sốc bên ngoài.
Cũng theo ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết thêm, năm vừa qua, nông nghiệp chính là ngành “trụ đỡ” khi nền kinh tế khó khăn. Ngành nông nghiệp với sự phát triển vượt trội, tăng trưởng đạt 3,83% - cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Thêm vào đó, xuất khẩu nông sản đã đạt được thành công rất lớn, không chỉ tăng về giá trị xuất khẩu  mà còn cả chất lượng xuất khẩu, đơn cử như gạo Việt Nam đạt được giá cao nhất thế giới, đồng thời cũng nằm trong nhóm gạo ngon nhất thế giới. Hơn nữa, nhiều mặt hàng xuất khẩu mới cũng đã đạt được con số tỷ USD ngay cả ở những thị trường mới.
Cùng với đó, sản xuất công nghiệp các tháng trong năm 2023 diễn biến theo xu hướng tích cực, nhất là vào các tháng cuối năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý IV/2023 ước tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với các quý trong năm.
>>Một tỉnh 'bé hạt tiêu' được định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương 
Đặc biệt, ông Cường nhấn mạnh, thành công bao trùm nằm ở việc Việt Nam duy trì rất tốt ổn định kinh tế vĩ mô. Vấn đề kiểm soát lạm phát diễn ra rất tốt trong bối cảnh lạm phát toàn cầu cao thì chúng ta lạm phát rất thấp như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,25%, thấp hơn mục tiêu 4,5% của cả năm 2023.
Từ đó, thúc đẩy các nhà sản xuất yên tâm đầu tư, người tiêu dùng yên tâm về tiêu dùng, kéo được nợ công xuống thấp tạo nhiều dư địa cho đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp.
Nền kinh tế như người ốm cần những khoảng lặng để điều chỉnh
Bên cạnh những điểm sáng của năm cũ, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế Quốc hội đề ra năm 2024 ở mức 6-6,5%, theo quan điểm của mình, ông Trung cho rằng, tăng trưởng GDP cần có tầm nhìn dài hạn hơn thay vì lo lắng phấn đấu cho từng năm một.
"Nền kinh tế giống như cơ thể người, ốm sốt là điều có thể xảy ra, cần những khoảng lặng để điều chỉnh. Cần nghĩ đến những điều lớn lao hơn cho dài hạn, thay vì cố gắng, nỗ lực ngay cả khi ốm", Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Mặc dù Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 ở mức 6-6,5%, song, để đạt được mục tiêu cần nhiều giải pháp tổng thể.
Về giải pháp kích cầu, theo Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, cần đưa ra các giải pháp xúc tiến thương mại, duy trì giảm thuế VAT 2% không chỉ trong 6 tháng năm 2024 mà cần thực hiện cả năm cũng như kiên định chính sách tài khóa nghịch chu kỳ tức là cần đưa ra thêm các gói hỗ trợ, cắt giảm thuế, phí nhiều hơn trong bối cảnh kinh tế khó khăn để vượt ra những thách thức trước mắt.
>>Thị trường giao dịch hàng hóa trên đà tăng trưởng 
Đối với động từ từ xuất khẩu, ông đề xuất cần hướng mạnh hơn đến những thị trường khả quan về tăng trưởng kinh tế như Ấn Độ, thay vì chỉ tập trung vào châu Âu. Về dịch vụ, năm 2023 đạt được nhiều điểm sáng về du lịch. Năm 2024, ông Trung cho rằng cần phát triển các thành phố trọng điểm có khả năng phát triển mạnh về du lịch.
Liên quan đến đầu tư, ông Trung cho rằng cần thu hút thực hiện các biện pháp thu hút FDI, thay đổi mô hình đầu tư công, tránh đầu năm bình tĩnh, cuối năm khẩn trương, phấn đấu tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công lên 85-90%.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, cần phải có nỗ lực từ nội tại nền kinh tế và sự tác động từ môi trường bên ngoài.
Hiện môi trường bên ngoài đang có dấu hiệu tích cực với nguy cơ suy thoái kinh tế thấp, sức tăng trưởng của các đối tác của Việt Nam từng bước phục hồi. Bên cạnh đó là áp lực tài chính tiền tệ cũng giảm nhiều. Với nền kinh tế mở như Việt Nam thì đó là những điều kiện rất tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, những nỗ lực nội tại là rất quan trọng, cả xã hội cần phải dồn sức lực cho mục tiêu tăng trưởng.
Ngoài ra, nếu muốn GDP tăng trưởng, phải giải quyết dứt điểm các yếu kém đã hiện hữu trong năm 2023. Đó là lãi vay đè nặng lên nguồn tài chính của doanh nghiệp, doanh nghiệp đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu đơn hàng do nhiều thị trường xuất khẩu "thắt lưng buộc bụng", kênh huy động vốn gặp sự cố, nhà đầu tư mất niềm tin, thị trường bất động sản trầm lắng, đầu tư công chậm chạp.