Phản ứng tức thì của Ngân hàng Nhà nước trước diễn biến ‘nóng’ của đồng USD
Ngày 28/10, giá USD trên thị trường tăng mạnh lên mức 25.700 đồng/USD, trong khi giá USD trên ngân hàng có xu hướng giảm. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có động thái can thiệp bằng cách nâng lãi suất liên ngân hàng và hút ròng qua kênh thị trường mở.
Hôm nay (28/10), các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do giao dịch 25.600 - 25.700 đồng/USD mua vào - bán ra, tăng 200 đồng/USD so với cuối tuần trước.
Dù tăng nhanh nhưng so với mức đỉnh 25.950 - 26.030 đồng/USD mua vào - bán ra được lập vào ngày 27/6, giá USD tự do hiện nay vẫn thấp hơn 350 đồng ở chiều mua và rẻ hơn 330 đồng ở chiều bán.
Ngay trong sáng nay, Ngân hàng Nhà nước  điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm còn 24.252 đồng/USD, giảm 3 đồng so với mức niêm yết cuối tuần qua.
Với biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch trong ngày hôm nay với tỷ giá trần là 25.465 đồng/USD và tỷ giá sàn là 23.039 đồng/USD.
Giá USD tại các ngân hàng thương mại hôm nay được điều chỉnh giảm nhẹ.
Ngân hàng Nhà nước can thiệp khi tỷ giá USD có xu hướng tăng trở lại. |
Vietcombank niêm yết giá USD mua vào tiền mặt ở mức 25.164 đồng/USD, bán ra ở mức 25.464 đồng/USD, giảm 33 đồng ở cả chiều mua và bán so với mức niêm yết cùng giờ phiên cuối tuần qua. Tương tự, BIDV cũng hạ giá đồng USD 27 đồng ở chiều mua và giảm 3 đồng ở chiều bán xuống mức 25.220-25.464 đồng/USD.
Giá USD mua vào tại ngân hàng đang thấp hơn khoảng hơn 400 đồng còn giá USD bán ra ít hơn 236 đồng so với thị trường tự do.
Với những diễn biến mạnh của tỷ giá USD, Ngân hàng Nhà nước có động thái can thiệp ngay bằng lãi suất. Theo đó, chốt ngày 25/10, so với tuần trước lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch qua đêm ở mức 3,92% tăng 1,19%; 1 tuần lãi suất 4,03% tăng1,07%; 2 tuần lãi suất 4,22% tăng 0,98%; 1 tháng 4,30% tăng 0,63%.
Trên thị trường mở tuần qua từ 21/10 - 25/10, ở kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 17.000 tỷ đồng, lãi suất giữ nguyên ở mức 4,0%. Có hơn 13.014 tỷ đồng trúng thầu, không có khối lượng đáo hạn trong tuần qua.
Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu 2 kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Tại kỳ hạn 14 ngày có 13.400 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất biến động từ 3,74% xuống 3,6%, phiên cuối tuần ở mức 3,7%; kỳ hạn 28 ngày có 41.250 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất 4 phiên đầu tuần ở mức 4,0%, phiên cuối tuần giảm xuống mức 3,99%.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng hơn 41.635 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có hơn 13.014 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 66.950 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành trên thị trường.
Theo một số nguồn tin trên thị trường liên ngân hàng, nhà điều hành có khả năng bán can thiệp ngoại tệ theo hình thức giao ngay, tại mức tỷ giá 25.450 đồng/USD.
Trước đó, từ ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố việc bán can thiệp ngoại tệ cho các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng/USD.
Tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước quý III vừa qua, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - cho biết, việc bán can thiệp ngoại tệ cho các ngân hàng là biện pháp rất mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn cung thị trường, đảm bảo đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.
Từ tháng 4 đến đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra khoảng 6 tỷ USD để bình ổn thị trường ngoại tệ.
>> Thấy gì từ việc Ngân hàng Nhà nước chào bán ngoại tệ?