Doanh nghiệp

'Phao cứu sinh' cho người dân, doanh nghiệp sau bão

Ngọc Linh 13/10/2024 09:52

TP - Siêu bão Yagi đổ bộ vào tháng 9/2024 “thổi bay” khoảng 80.000 tỷ đồng, gây mất mát người và của. Trong bối cảnh đó, số tiền bồi thường thiệt hại bão lũ của doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất từ trước tới nay, góp phần giúp người dân, doanh nghiệp gượng dậy sau thiên tai.

Số tiền bồi thường gần bằng vốn điều lệ

Đầu tháng 9/2024, siêu bão Yagi tàn phá nặng nề các tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh. Chưa kịp trấn an sau cơn cuồng phong, hoàn lưu sau bão gây mưa lớn khiến nhiều tỉnh (Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc) gây ngập lụt, sạt lở đất.

Giữa lúc rối ren vì thiên tai, nỗi đau mất người, mất của, doanh nghiệp bảo hiểm đã trở thành điểm tựa để người dân, doanh nghiệp gượng dậy sau bão.

Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận khoảng 12.000 thông tin thiệt hại về bảo hiểm tài sản, xe cơ giới, sức khỏe. Ước tính số tiền chi trả bồi thường cho người dân, doanh nghiệp khoảng 9.000 tỷ đồng. Đây là số tiền bồi thường thiệt hại thiên tai lớn nhất trong lịch sử ngành bảo hiểm Việt Nam.

'Phao cứu sinh' cho người dân, doanh nghiệp sau bão ảnh 1
Nhiều xe ô tô bị nước lũ nhấn chìm chờ được bảo hiểm bồi thường.
Ảnh: BHS

Đặc biệt, có doanh nghiệp số tiền bồi thường bảo hiểm thiệt hại bão Yagi gần bằng vốn điều lệ. Cụ thể, Bảo hiểm PVI đã ghi nhận 751 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xe cơ giới và con người. Ước tính tổng mức khiếu nại tổn thất của Bảo hiểm PVI hơn 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Bảo hiểm PVI vừa được Bộ Tài chính chấp thuận nâng vốn điều lệ lên 3.900 tỷ đồng vào tháng 8/2024.

“Đây là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm nói chung và Bảo hiểm PVI nói riêng. PVI sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng với thời gian nhanh nhất”, đại diện PVI cho biết.

'Phao cứu sinh' cho người dân, doanh nghiệp sau bão ảnh 2
Nhân viên bảo hiểm chế bè qua vùng lụt vào thẩm định thiệt hại cho khách hàng. Ảnh: BHS

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận thiệt hại lớn về bảo hiểm. Cụ thể, Bảo hiểm Quân đội ghi nhận khoảng 900 vụ tổn thất; Bảo hiểm BSH ghi nhận khoảng 120 vụ tổn thất về tài sản - kỹ thuật - hàng hải; hơn 250 vụ tổn thất về xe cơ giới. Với bảo hiểm kỹ thuật, các doanh nghiệp như Bảo Minh, ABIC, PJICO, VBI ghi nhận 684 vụ tai nạn và gần 1.100 vụ tổn thất bảo hiểm xe cơ giới.

Khi bão lũ, người dân, doanh nghiệp tìm mọi cách để chạy ra khỏi khu vực thiên tai, nhân viên giám định bảo hiểm “lội ngược dòng” để thẩm định thiệt hại. Dù không trực tiếp hứng chịu sức tàn phá siêu bão nhưng hoàn lưu mưa sau bão, nước sông dâng nhanh, nhấn chìm hàng loạt ô tô tại thành phố Thái Nguyên, anh Nguyễn Văn Đức - nhân viên giám định bảo hiểm vật chất ô tô ngay lập tức “lao vào tâm lụt”. Không có phương tiện đi lại, anh Đức ghép 4 chiếc can nhựa chế thành bè, di chuyển vào khu vực ngập nước để ghi nhận thiệt hại.

“Khách hàng mua bảo hiểm nhằm đề phòng tổn thất khi không may gặp rủi ro thiên tai. Nước ngập sâu, tôi tìm phương tiện tự chế để vào khu vực ngập lụt ghi nhận thiệt hại, làm thủ tục bồi thường nhanh nhất nhằm góp phần bù đắp một phần tổn thất cho khách hàng”, anh Đức chia sẻ.

Ông Đoàn Kiên - Tổng Giám đốc BSH cho biết, huy động tối đa lực lượng giám định viên và cán bộ chuyên môn trên toàn hệ thống làm việc hết công suất. BSH yêu cầu giám định viên nhanh chóng thẩm định thiệt hại khi nhận tin báo của khách hàng.

“Ngập lụt, di chuyển khó khăn, giám định viên sử dụng phương tiện tự chế như bè, ván hoặc lội bộ qua những con đường ngập nước để tiếp cận hiện trường nơi có tổn thất. Chúng tôi luôn cố gắng để bồi thường nhanh nhất cho khách hàng”, ông Kiên cho biết.

Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán cho biết, trong hoạt động bảo hiểm có quỹ dự phòng nghiệp vụ. Quỹ dự phòng này sẽ sử dụng để bồi thường cho khách hàng chịu thiệt hại của bão Yagi cho người dân, doanh nghiệp. Đây là một trong những “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp bảo hiểm khi gặp phải tổn thất lớn như cơn bão Yagi vừa qua.

'Phao cứu sinh' cho người dân, doanh nghiệp sau bão ảnh 3
Toà nhà của Công ty Cổ phần Tập đoàn TASECO tại Hạ Long thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 đang chờ bồi thường bảo hiểm. Ảnh: NL

Cần cấp cứu doanh nghiệp trong “giờ vàng”

Sau bão lụt, nguồn tiền bồi thường bảo hiểm là một trong những nguồn lực giúp doanh nghiệp phục hồi. Dù có sự vào cuộc kịp thời của nhân viên thẩm định nhưng nhiều khách hàng mua bảo hiểm vẫn mòn mỏi chờ đợi do quy trình bồi thường kéo dài.

Là một trong những doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3, ông Đỗ Việt Thanh - Phó TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn TASECO, đơn vị sở hữu tòa nhà tại Hạ Long với hình ảnh kính bay tơi tả chia sẻ, cơn bão khiến hàng trăm căn hộ bị bay kính.

Theo ông Thanh, một ngày sau bão, doanh nghiệp có văn bản gửi bảo hiểm kiểm tra, thẩm định thiệt hại. Đơn vị bảo hiểm cử nhân viên xuống ghi nhận thiệt hại nhưng đến nay doanh nghiệp chưa nhận được bồi thường do vướng mắc thủ tục. Doanh nghiệp của ông Thanh 2 lần làm thủ tục thẩm định thiệt hại với doanh nghiệp bảo hiểm và đơn vị thẩm định độc lập.

“Trước mắt, bão Yagi khiến chúng tôi thiệt hại vài trăm tỷ đồng. Nhưng nếu kéo dài thời gian mở cửa trở lại, chúng tôi sẽ mất cơ hội, dòng tiền. Trong lúc thiên tai, ứng phó phải khẩn trương, trong “giờ vàng”, để hỗ trợ nhanh chóng đến tay người dân, doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng có phương án hỗ trợ ưu tiên giải quyết chứ không phải theo thông lệ bình thường. Quy trình thủ tục kéo dài, lúc nhận được tiền đã qua “giờ vàng”, mất đi tác dụng”, ông Thanh chia sẻ.

Theo chuyên gia Trần Nguyên Đán, bảo hiểm nhà xưởng, ô tô, người mua thuận lợi chứng minh thiệt hại. Tuy nhiên với một số bảo hiểm đặc thù như hàng hoá đã bị nước lũ cuốn trôi máy móc trong nhà xưởng sẽ rất khó chứng minh thiệt hại.

“Cơ quan chức năng cần có hướng dẫn doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường nhanh, sớm cho khách hàng. Trong bối cảnh đặc biệt, chúng ta cần có giải pháp đặc biệt để hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp. Khi có sự tháo gỡ từ cơ quan chức năng, doanh nghiệp bảo hiểm có cơ sở để thực hiện nhanh chóng”, ông Trần Nguyên Đán đề xuất.

Lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết, tiếp tục chỉ đạo, giám sát, tạo điều kiện, đồng hành với doanh nghiệp bảo hiểm có phương án hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng.

“Đây là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm nói chung và Bảo hiểm PVI nói riêng. PVI sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng với thời gian nhanh nhất” - Đại diện PVI cho biết

Thống kê bước đầu, cơn bão YAGI khiến 353 người chết, mất tích, khoảng 1.900 người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề. Thiệt hại về tài sản do bão Yagi gây ra trên 80 nghìn tỷ đồng.

>> Doanh nghiệp vẫn ngóng chương trình hỗ trợ khôi phục sản xuất sau bão số 3

Nhật Bản hỗ trợ khẩn cấp 2 triệu USD giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bão Yagi

Sabeco dành hơn 7,9 tỉ đồng hỗ trợ nhân viên, cộng đồng sau bão Yagi

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/phao-cuu-sinh-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-sau-bao-post1681233.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    'Phao cứu sinh' cho người dân, doanh nghiệp sau bão
    POWERED BY ONECMS & INTECH