Pháp viện rộng gần 40.000m2 nắm giữ 4 kỷ lục quốc gia, được ví như ‘đóa hoa thanh tịnh’ giữa lòng Sài Gòn
Đây là điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách gần xa tới tham quan.
Cổ tự linh thiêng giữa lòng phố thị
Toạ lạc ngay giữa trung tâm TP.HCM, Pháp viện Minh Đăng Quang có vị trí lý tưởng ngay tại TP. Thủ Đức (trước kia là quận 2). Pháp viện nằm trên khu đất rộng tới 62.000m2, trước đây chỉ là vùng đất hoang sơ với đồng ruộng mênh mông. Vào năm 1968, pháp viện được sáng lập và xây dựng bởi Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên, đệ nhất Trưởng Giáo Đoàn IV hệ phái Khất sĩ.
Ban đầu, Pháp viện chỉ gồm ngôi chánh điện nhỏ được cất tạm và một số am cốc bằng tre. Tuy hoàn cảnh lúc ấy còn rất khó khăn nhưng các Hòa thượng, Thượng tọa, Đại Đức Tăng trong giáo đoàn đã cùng nhau san lấp, dọn dẹp, vun xới để pháp viện có một diện mạo mới trang nghiêm hơn. Đến năm 1989, các chư Tôn Đức trong giáo đoàn đã cùng nhau phát động phong trào trồng cây xanh tạo cảnh quan cho pháp viện. Bởi vậy, ngay từ cổng tam quan đã thấy được bầu không khí vô cùng trong lành, xanh mát.
Năm 2009 được coi là lần trùng tu lớn nhất của pháp viện khi được xây dựng quy mô với nhiều hạng mục. Ngày 28/06/2009, dưới sự chứng kiến của Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên cùng các chư Tôn Đức, Hòa thượng, cấp lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự thành hội Phật giáo TP.HCM, lễ khởi công đại trùng tu Pháp viện Minh Đăng Quang đã được diễn ra.
Sau quá trình trùng tu, diện tích của Pháp viện giảm xuống còn 37.490m2 ở mặt tiền xa lộ Hà Nội. Tuy diện tích bị giảm nhưng về tổng thể ngôi chùa  vẫn giữ được nét kiến trúc  độc đáo và vẻ uy nghiêm của mình. Quần thể pháp viện được xây dựng quy mô với rất nhiều công trình nổi bật gồm khu chánh điện chính nguy nga ở trung tâm của Pháp viện và 4 bảo tháp cao nằm ở 4 góc chùa.
Theo đó, khu chánh điện ở trung tâm Pháp viện là một kiến trúc có chiều ngang 40m, dài 70m, cao ba tầng. Tầng trên là ngôi chánh điện bát giác truyền thống đường kính 32m. Chính giữa thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tầng dưới là thiền đường rộng 24m, dài 50m. Phía sau thiền đường là một điện thờ Đức Phật trong tư thế Niết bàn. Tầng dưới thiền đường là giảng đường rộng 40m, dài 50m.
Đặc biệt nhất phải kể đến là 4 bảo tháp  được đặt tại 4 vị trí đối xứng bao quanh chánh điện. Mỗi bảo tháp được thiết kế dạng bát giác với màu vàng đặc trưng, phần mái được trang trí bằng nhiều chi tiết hình mây cách điệu vô cùng mềm mại. Tầng cao nhất của bảo tháp có đặt một xá lợi.
Được biết, mỗi toà tháp được sử dụng với những mục đích khác nhau: Bảo tháp Ca – diếp được đặt bên trái của khuôn viên pháp viện Minh Đăng Quang là nơi thờ 7 Đức Phật và Lịch Đại Tổ Sư; Bảo tháp Xá Lợi Phật nằm bên phải là nơi thờ Phật, lưu giữ kinh thư và tượng Phật; 2 Bảo tháp phía sau pháp viện Minh Đăng Quang được sử dụng là nơi đặt tro cốt của chư tăng, phật tử.
Nằm rải rác trong khuôn viên pháp viện còn có các tịnh thất của chư tăng, thư viên, khu tăng đường và khu sinh hoạt của các phật tử. Ngoài ra, tại đây còn có các bức tôn tượng Đức Bồ Tát Quan Thế Âm, Đức Bồ Tát Di Lặc và Tổ sư Minh Đăng Quang được chạm trổ vô cùng tinh xảo.
Ngôi chùa nắm giữ 4 kỷ lục quốc gia
Pháp điện Minh Đăng Quang nổi tiếng giữa lòng phố thị và thu hút du khách không chỉ bởi kiến trúc độc đáo  và nguy nga. Hơn hết còn bởi nơi đây là chùa thiêng giữ 4 kỷ lục Việt Nam . Vào tháng 05/2019, Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã chính thức xác lập 4 kỷ lục tại Pháp viện gồm: Ngôi tịnh xá có 4 bảo tháp lớn nhất Việt Nam; Bảo tháp bằng gỗ thờ Phật trong chánh điện lớn nhất Việt Nam; Điểm tổ chức Đại lễ kỷ niệm 60 năm Đức tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng lớn nhất Việt Nam; Nơi diễn ra lễ khất thực cổ Phật lớn nhất Việt Nam.
Trong đó, với kỷ lục đầu tiên, Pháp viện có tổng cộng 4 tháp được sử dụng với mục đích khác nhau như đã nói ở trên. 2 tháp phía trước hình bát giác, mỗi tháp gồm 9 tầng, cao 37m. 2 ngôi bảo tháp phía sau hình tứ giác, mỗi tháp gồm 13 tầng, cao 49m. 4 ngôi bảo tháp này là biểu tượng Tứ thiên vương hầu Phật là ngôi Chánh điện ở giữa - trung tâm ngôi pháp viện.
Kỷ lục thứ hai là bảo tháp bằng gỗ thờ Phật trong chánh điện lớn nhất Việt Nam được bố trí tại tầng 3 của chánh điện. Ngôi bảo tháp bằng gỗ cao 12m, tầng dưới tứ giác cao 8m, có khắc chạm tứ trụ hoa sen xung quanh; trên nóc cao 4m, với 13 tầng mái biểu tượng Lục phàm, Tứ thánh, Tam tôn. Bảo tháp bằng gỗ có tôn trí Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng cao 7,2m, nặng 7,2 tấn.
Kỷ lục tiếp theo được xác lập nhân kỷ niệm 60 năm (1954-2014) Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng. Trong 5 ngày liên tục (từ 26/02 – 02/03/2014), Pháp viện Minh Đăng Quang đã tổ chức Đại lễ tưởng niệm trang nghiêm, trọng thể với nhiều hoạt động. Đại lễ chính thức được diễn ra với sự tham sự của hơn 2.000 vị lãnh đạo Phật giáo Trung ương, các tỉnh, thành và các khách quý, phật tử. Sự kiện này cũng đánh dấu một quá trình hình thành và phát triển 70 năm Đạo Phật Khất Sĩ có mặt tại Việt Nam.
Cuối cùng, Pháp viện Minh Đăng Quang giữ kỷ lục là nơi diễn ra lễ khất thực cổ Phật lớn nhất Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động nhân dịp Đại lễ tưởng niệm 60 năm Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng. Tại lễ khất thực trên đã có hơn 1.500 tăng ni Khất sĩ tham dự.
Tổng cộng, Pháp viện Minh Đăng Quang nắm giữ đến 4 kỷ lục Việt Nam. Tất cả các kỷ lục trên đều được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đề xuất, công nhận và giới thiệu. Cho đến nay, trải qua hơn 50 năm hiện hữu, Pháp viện Minh Đăng Quang không chỉ trở thành một địa danh tâm linh quen thuộc mà còn như một đoá hoa trang nghiêm, một không gian tĩnh lặng giữa lòng TP.HCM nơi con người tìm về sự an tịnh tâm hồn.
Tiết lộ số lượng máy bay chiến đấu Mirage-2000 được Pháp cung cấp cho Ukraine 
Mỹ không hài lòng với việc Tổng thống Pháp muốn đưa quân tới Ukraine