Phát lộ bộ di hài của người đàn ông dưới giếng nước, nghi là nhân vật xuất hiện trong sử thi hơn 800 năm trước
Các nhà khoa học Na Uy đã phát hiện một bộ hài cốt, được cho là có thể thuộc về một nhân vật xuất hiện trong sử thi Na Uy cách đây hơn 800 năm.
Theo The Guardian ngày 27/10, nghiên cứu  do Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy thực hiện đã xác định được nhiều điểm tương đồng giữa bộ hài cốt  này và một nhân vật được nhắc đến trong sử thi cổ xưa  của Na Uy. Ông Michael Martin, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết dù các bằng chứng chưa đủ để khẳng định tuyệt đối, nhưng các dữ liệu khoa học và bối cảnh hiện tại đều rất thuyết phục.
Nhóm nghiên cứu cho rằng bộ hài cốt có thể thuộc về một binh sĩ Birkebeiner, nhân vật từng xuất hiện trong Sverris Saga, sử thi kể về cuộc đời của Vua Na Uy Sverre Sigurdsson. Sử thi này, với 182 câu dài, mô tả cuộc đời đầy thử thách và những trận chiến ác liệt của nhà vua trong thời kỳ chính trị bất ổn và nội chiến căng thẳng.
Một đoạn sử thi đề cập đến cuộc tấn công vào pháo đài của Vua Sverre Sigurdsson tại Sverresborg (nay là Trondheim), khi phe thù địch bao vây và tàn phá từng ngôi nhà trong pháo đài, giết chết các binh sĩ. Một người lính được cho là đã bị ném xuống giếng và bị chất đá lên sau khi mất mạng.
Theo các nhà sử học, nếu sự kiện trong sử thi này là có thật thì người bị ném xuống giếng nhiều khả năng là một binh sĩ Birkebeiner, thành viên của lực lượng bảo vệ trung thành của nhà vua. Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí iScience ngày 25/10, tiết lộ rằng bộ hài cốt khai quật từ giếng này trong giai đoạn 2014 - 2016 có thể chính là của người lính trong câu chuyện sử thi đó.
Dựa trên phương pháp định tuổi bằng carbon phóng xạ, các nhà khoa học đã xác định rằng bộ hài cốt có niên đại vào khoảng năm 940, với sai số khoảng 30 năm, phù hợp với thời điểm trận đánh Sverresborg được đề cập trong Sverris Saga. Phân tích ADN còn cho thấy người này có tóc màu vàng hoặc nâu nhạt, mắt xanh lục, và xuất thân từ miền Nam Na Uy.
Điểm đặc biệt của nghiên cứu là đây có thể là lần đầu tiên các nhà khoa học phục dựng thông tin di truyền của một nhân vật từng được đề cập trong sử thi cổ xưa và nhiều khả năng là một nhân vật có thật trong lịch sử.
Ông Michael Martin nhận định rằng, phát hiện này đã góp phần chứng minh rằng các câu chuyện sử thi cổ không hoàn toàn mang tính hư cấu như công chúng vẫn thường nghĩ, và rằng việc này có thể giúp mọi người trân trọng hơn các giá trị của sử thi cổ đại.