Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường dây 220kV Đô Lương - Nam Cấm
Sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường dây 220kV Tương Dương - Đô Lương; UBND tỉnh Nghệ An vừa chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án đường dây 220kV Đô Lương - Nam Cấm.
Nhà đầu tư dự án đường dây 220kV  Đô Lương - Nam Cấm được tỉnh Nghệ An chấp thuận là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT).
Mục tiêu dự án nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng cho phụ tải khu vực miền Trung, nơi tập trung một số phụ tải công nghiệp quan trọng hiện có và trong tương lai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.
Dự án cũng hỗ trợ các đường dây trong khu vực tăng cường khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia; Giảm tổn thất điện năng trong lưới điện truyền tải, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia.
Dự án có quy mô xây dựng mới Đường dây 220kV Đô Lương - Nam Cấm, với chiều dài khoảng 37 km, đầu tư mở rộng 2 ngăn lộ 220kV tại 2 ngăn lộ dự phòng Trạm biến áp 220kV Đô Lương hiện hữu. Tổng vốn đầu tư dự án gần 557 tỷ đồng.
Tuyến đường dây được xây dựng trên địa bàn các huyện: Đô Lương, Nghi Lộc và Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An. Phần mở rộng ngăn lộ 220kV tại Trạm biến áp 220kV Đô Lương nằm trong phạm vi hàng rào Trạm biến áp 220kV Đô Lương hiện hữu, thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Theo chủ trương được phê duyệt, nhà đầu tư - EVNNPT cần phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện để hoàn thành hồ sơ, thủ tục có liên quan (đất đai, xây dựng, giao thông, thủy lợi,...), nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước theo đúng quy định trước khi triển khai và tập trung thực hiện dự án đúng tiến độ; phối hợp làm việc với các cơ quan quản lý đường bộ, đường sông để thực hiện đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ, Đường thủy; các Nghị định, Thông tư, Văn bản hướng dẫn có liên quan.
Chấp hành nghiêm túc các quy định về công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân; đảm bảo các quy định về an toàn hành lang lưới điện, về an toàn nguồn nước, môi trường, không khí… Quá trình triển khai thực hiện dự án tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật (về đầu tư, điện lực, doanh nghiệp, đất đai, môi trường,...).
Căn cứ quy định của pháp luật và ý kiến các sở, ngành, địa phương liên quan trong quá trình cho ý kiến hồ sơ chủ trương đầu tư dự án để tổ chức, triển khai thực hiện và quản lý dự án đúng yêu cầu, đúng quy định.
UBND các huyện: Đô Lương, Nghi Lộc, Hưng Nguyên chịu trách nhiệm về tính pháp lý, việc xác định nguồn gốc, diện tích, loại đất, chủ sử dụng đất đối với từng thửa đất cụ thể trong khu đất đề xuất thực hiện dự án và các nội dung khác có liên quan theo quy định.
Cập nhật, bổ sung dự án vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác có liên quan (nếu có), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm theo quy định. Theo dõi, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ và đúng quy định; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, đảm bảo an ninh trật tự,... đối với dự án theo quy định của pháp luật, đồng thời kiểm tra, xử lý các vi phạm (nếu có) trong quá trình thực hiện dự án.
Định kỳ hàng quý rà soát, báo cáo tiến độ thực hiện dự án về Sở Kế hoạch và Đầu tư; cập nhật tình hình thực hiện dự án trên phần mềm theo dõi dự án đầu tư của tỉnh.
Các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa và Thể thao; Cục Thuế tỉnh theo chức năng nhiệm vụ chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện các thủ tục, nghĩa vụ có liên quan theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
>> Phát động đợt thi đua cao điểm, nước rút đưa 2 dự án trọng điểm về đích trong tháng 10 
Dự án truyền tải điện hơn 1.500 tỷ tại Bắc Ninh 'về tay' EVNNPT 
EVNNPT thông tin về sự cố tại trạm biến áp ở Tiền Giang