Phép thử đầu tiên sau cú sốc dân chủ Mỹ
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ bạo loạn trong Đồi Capitol ngày 6/1/2021, vì thế được coi là phép thử đối với những hệ thống và biện pháp mới mà Quốc hội Mỹ thực hiện nhằm bảo đảm truyền thống chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
Đám đông ủng hộ ông Trump làm loạn ở Đồi Capitol, ngày 6/1/2021. (Ảnh: AP) |
Trong khi ứng cử viên Donald Trump  của đảng Cộng hòa và đối thủ Kamala Harris của đảng Dân chủ đang chạy đua về đích, các quan chức bầu cử Mỹ cũng chuẩn bị phương án đối phó với khả năng xảy ra bất ổn sau ngày bầu cử.
"Một trong những điểm bất thường trong cuộc bầu cử năm nay là có rất nhiều mối nguy hiểm tiềm tàng và khả năng xảy ra những hành động tấn công vào hệ thống bầu cử trong giai đoạn sau bầu cử", Wendy Weiser - Phó Chủ tịch phụ trách vấn đề dân chủ tại Trung tâm Công lý Brennan, cho biết.
Sau vụ làm loạn ngày 6/1/2021, Quốc hội Mỹ tính đến nhiều biện pháp để ngăn chặn kịch bản lặp lại, phòng trường hợp ông Trump và một số đồng minh trong Quốc hội từ chối công nhận chiến thắng của đối thủ.
Năm 2021, ông Trump theo đuổi hàng chục vụ kiện tụng trước khi đám đông ủng hộ ông kéo đến trụ sở Quốc hội Mỹ gây rối, cản trở quá trình phê chuẩn kết quả bầu cử.
Đạo luật Cải cách kiểm phiếu bầu cử mới được Quốc hội Mỹ thông qua để làm rõ các quy trình sau bầu cử, nhằm giải quyết nhanh hơn các vấn đề pháp lý và khẳng định phó tổng thống không có quyền thay đổi kết quả bầu cử trong phiên bỏ phiếu của Quốc hội ngày 6/1/2025.
Một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề cộng đồng của AP thực hiện cho thấy các cử tri Mỹ năm nay vẫn lo lắng về những chuyện có thể xảy ra sau ngày bầu cử.
"Chúng tôi chỉ quan tâm đến một điều: Liệu người Mỹ có thể tiếp tục tin tưởng vào tính hợp lệ của các cuộc bầu cử và liệu chúng ta có thể chuyển giao quyền lực một cách hòa bình ở tất cả các vị trí, trong đó có vị trí tổng thống hay không?" Dick Gephardt, cựu lãnh đạo Hạ viện, nói với AP.
Ông Gephardt đang làm việc trong ban điều hành của Keep our Republic, một tổ chức phi đảng phái đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức của công dân về quy trình bầu cử ở các tiểu bang chiến trường như Michigan, Wisconsin và Pennsylvania, nói" "Tôi nghĩ ngày 6/1/2021 thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh đối với tất cả chúng ta".
Hàng chục vụ kiện đã được cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đệ trình trước ngày bầu cử năm nay.
Các tổ chức dân chủ cho rằng số lượng vụ kiện nhiều như vậy có thể gieo rắc nghi ngờ về phiếu bầu và dẫn đến những thông tin sai lệch từ cả trong và ngoài nước, như từng xảy ra năm 2020, khi nhóm luật sư của ông Trump nêu ra những chuyện xa vời được chứng minh là hoàn toàn không đúng.
Khi chạy đua để trở lại Nhà Trắng năm nay, ông Trump đã tạo tiền đề cho những thách thức đối với cuộc bầu cử. Một số thành viên đảng Cộng hòa ở Đồi Capitol, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, tuyên bố sẽ chỉ chấp nhận kết quả nếu cuộc bầu cử diễn ra tự do và công bằng.
Một loạt thời hạn trong giai đoạn giữa ngày bầu cử 5/11/2024 và ngày nhậm chức ngày 20/1/2025 đã được đưa vào quy trình, dù trước đây chỉ là những bước thông thường.
Theo quy định mới, các tiểu bang phải chứng nhận đại cử tri trước ngày 11/12, trước khi diễn ra hội nghị cử tri đoàn vào ngày 17/12. Quốc hội mới sẽ họp vào ngày 3/1/2025 để bầu chủ tịch Hạ viện và tuyên thệ trước các nghị sĩ.
Sau đó, vào ngày 6/1/2025, Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp chung để thông qua kết quả bầu cử của các bang, dù phiên họp này trước đây chỉ mang tính thủ tục do phó tổng thống chủ trì.
Để củng cố quy trình sau vụ tấn công ngày 6/1/2021, Ủy ban Kiểm phiếu áp dụng nhiều thay đổi để bảo đảm các mâu thuẫn được giải quyết trước khi Quốc hội họp.
Các vụ kiện tụng về kết quả bầu cử cũng sẽ được giải quyết nhanh hơn, có thể được Tòa án Tối cao Mỹ xử lý nếu cần. Nếu địa hạt nào từ chối chứng nhận kết quả, như đã xảy ra trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, thống đốc có quyền chứng nhận kết quả của cả bang.
Vào ngày 6/1/2025, ít nhất phải có 20% thành viên Hạ viện và Thượng viện phản đối đại cử đoàn của bang thì mới tổ chức bỏ phiếu bác bỏ họ, thay vì chỉ cần 1 thành viên duy nhất từ mỗi viện như trước đây.
Có thêm 34 tỷ USD trong một ngày, Elon Musk ra sao nếu Donald Trump thắng cử? 
Ông Donald Trump hứa giảm thuế cho xe Mỹ và 'siết' xe nước ngoài