Khoáng sản Lào Cai (LCM) vừa có công văn giải trình về việc cổ phiếu tăng trần trong đó nhấn mạnh do cung cầu của thị trường và không can thiệp vào giá. Đây cũng là nội dung mà CFV, VE3 hay VHH mới đây báo cáo với cơ quan quản lý.
LCM tăng 93% chỉ sau 10 phiên giao dịch trên UPCoM
Sau khi giao dịch phiên đầu trên sàn UPCoM từ ngày 9/9/2022 với giá tham chiếu 2.800 đồng/cổ phiếu, kết phiên 21/9, cổ phiếu LCM của CTCP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Lào Cai đứng mức 4.700 đồng sau 5 phiên trần liên tiếp kể từ ngày 15/9.
Cùng ngày, phía Khoáng sản Lào Cai đã có công văn giải trình về việc cổ phiếu tăng trần trong đó nhấn mạnh việc cổ phiếu được đẩy hết biên độ là do cung cầu của thị trường đồng thời nhấn mạnh doanh nghiệp không tác động đến giá trê thị trường.
Bước sang phiên 22/9, mã này tiếp tục nối dài chuỗi tăng trần lên con số 6, thị giá vọt lên mức 5.400 đồng - tương ứng tăng 93% sau vỏn vẹn 10 phiên lên UPCoM.
Được biết ngày 28/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã ra quyết định hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc đối với hơn 24,6 triệu cổ phiếu LCM từ ngày 28/8/2022 do báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, 2020, 2021 của Khoáng sản Lào Cai đều có ý kiến ngoại trừ của công ty kiểm toán.
Được biết, cổ phiếu LCM niêm yết trên HOSE cách đây 11 năm (từ 16/9/2011) với giá tham chiếu 24.000 đồng.
Xem chi tiết #kếtquảkinhdoanh, #thôngtinliênquan đến LCM 
Theo quan sát của người viết, nội dung tại văn bản giải trình mới đây của LCM cũng là phần giải trình tương tự của hàng loạt doanh nghiệp như VHH, VE3, CFV sau khi cổ phiếu tăng trần nhiều phiên liên tiếp trong thời gian gần đây.
Cổ phiếu LCM vừa xuất hiện mẫu nến rút chân trong phiên 22/9 cho thấy phe "cầm cổ" đang bắt đầu nôn nóng các động thái chốt lời
Được biết, LCM, VHH, VE3, CFV đều là những doanh nghiệp quy mô nhỏ từ vài chục tỷ đến dưới 250 tỷ đồng.
Trước khi xuất hiện chuỗi tăng trần, phần lớn giá các mã này đều ở ngưỡng dưới 5.000 thậm chí trong vùng "trà đá" (dưới 3.000 đồng/cổ phiếu).
Trong số các mã nêu trên, LCM là cổ phiếu ghi nhận thanh khoản cao nhất với trung bình 6 phiên gần nhất đạt khoảng hơn 700.000 đơn vị/phiên; CFV là mã tăng mạnh nhất với mức tăng hơn 2.000% sau 23 phiên trần (thị giá tăng từ 4.300 đồng lên 91.300 đồng).
Tuy nhiên cần nhấn mạnh lại rằng đây đều là các mã nhỏ với giá thấp, rất dễ bị tác động bởi đội lái, các nhà đầu tư "tay to" thậm chí bị thao túng giá nhằm trục lợi bất chính.
Cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC - Trịnh Văn Quyết
Bài học từ những sụ vụ bán chui cổ phiếu tại FLC hay làm giá cổ phiếu tại TGG, BII là những minh chứng rõ ràng và sinh động nhất về những thiệt hại mà nhà đầu tư có thể sẽ gặp phải khi vồ vập nương theo sóng tăng ảo.
- Vì sao cổ phiếu VE3 tăng trần (từ 12 - 16/9) trong khi khối lượng lưu hành chỉ vỏn vẹn hơn 1,3 triệu đơn vị (đồng nghĩa với việc số lượng cổ đông doanh nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay và CTCP Xây dựng điện Việt Nam hiện đang nắm tới gần 53% vốn)?
- Vì sao CFV trần tới 23 phiên tiếp tiếp (từ 15/8 - 16/9) với thanh khoản trung bình chỉ từ 100 - 200 - 300 hay 700 đơn vị/phiên trong khi doanh nghiệp vừa báo lỗ đạm hơn 3,1 tỷ đồng trong quý II?
- Vì sao cổ phiếu LCM tím lịm 6 phiên trong khi kết quả kinh doanh nửa đầu năm dù khả quan song mức lãi cũng chỉ vỏn vẹn 670 triệu đồng và mã này cũng vừa mới chân ướt chân ráo về giao dịch tại sàn UPCoM?
Theo ghi nhận, không có lực kéo (tin tốt) tăng giá nào đến từ phía các doanh nghiệp kể trên ở thời điểm hiện tại. Thậm chí trong văn bản giải trình lần đầu gửi UBCKNN và HNX, Cà phê Thắng Lợi (CFV) từng khẳng định doanh nghiệp đang thua lỗ nên cổ phiếu không có lý do để tăng trần.
Trong những câu chuyện bên lề được chia sẻ bởi các hội nhóm, diễn đàn chứng khoán, việc các cổ phiếu nhỏ của một số doanh nghiệp có hoặc ít nhiều "có vấn đề" tăng trần luôn khiến nhà đầu tư hoài nghi về tính chất của sự việc; đó có thể xuất phát từ hành vi đẩy giá để thoái vốn từ lãnh đạo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn của doanh nghiệp hoặc chiêu trò thổi giá để dẫn dụ nhà đầu tư "gà mờ" rót tiền nhằm trục lợi (như trường hợp của cựu Chủ tịch HĐQT Louis Holdings Đỗ Thành Nhân năm 2021).
Giải thích của một số doanh nghiệp có cổ phiếu tăng trần 5 - 10 - 15 - 20 phiên liên tiếp đến thời điểm hiện tại hầu hết đem đến cảm giác chống đối và chưa thực sự đủ để khiến giới quản lý thị trường chứng khoán cũng như nhà đầu tư cảm thấy thuyết phục.
Vì thế, trước khi xuống tiền với các mã dạng này, nhà đầu tư cần xác định rõ tâm thế "gửi tiền ở đâu sẽ cho sinh lời" và tránh khỏi các cạm bẫy tăng giá ảo.
Khoáng sản Lào Cai (LCM): Lãi đột biến quý 3, cổ phiếu về "đáy" sau chuỗi tăng trần 
Cổ phiếu CX8 "rụng trần" sau tin doanh nghiệp thôi không hủy niêm yết tự nguyện