Đây được xem là tín hiệu đáng mừng cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Sáng ngày 20/2 tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục gia hạn thời gian áp dụng Thông tư 02 liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Theo đó, phía NHNN cũng đã đề nghị Vụ tín dụng cùng cơ quan thanh tra, vụ pháp chế, chính sách của NHNN đề xuất và sẽ được ban hành trong quý I/2024. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thời gian kéo dài Thông tư 02 thêm bao lâu, nửa năm, một năm, hay bao nhiêu thì cần phải có đánh giá kỹ hơn.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú |
Trước đó, nhiều ngân hàng đã lên tiếng kiến nghị tiếp tục kéo dài Thông tư 02.
Ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách VietinBank cho hay, việc kéo dài Thông tư 02 là cần thiết trong bối cảnh khách hàng vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn 2024 - 2025.
Ông Trần Long - Phó Tổng Giám đốc BIDV cũng cho rằng, việc Thông tư 02 hết hạn vào 30/6/2024 sẽ tạo áp lực rất lớn về trả nợ cho các doanh nghiệp trong khi đó, việc xử lý nợ xấu các doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn. Do đó, đại diện BIDV kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng Thông tư tới hết năm 2024.
Đồng quan điểm, đại diện ngân hàng MB và VPBank cũng đề xuất gia hạn Thông tư 02 nhằm giảm áp lực xử lý nợ xấu cho phía ngân hàng cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Nhiều ngân hàng đề nghị kéo dài thêm từ 6 tháng đến 1 năm.
Thông tư 02 được NHNN ban hành vào tháng 4/2023, quy định về việc cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Sau thời gian triển khai, Thông tư 02 được đánh giá là kịp thời và giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Theo Đánh giá nhanh tác động của Thông tư 02 và Thông tư 03 của Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, Thông tư 02 giúp các doanh nghiệp, bên vay giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm nợ, đồng thời tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới (do được giữ nguyên nhóm nợ), giúp doanh nghiệp, bên vay có nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, qua đó góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và tiếp theo.
Ở chiều ngược lại, các tổ chức tín dụng cũng giảm đi được áp lực hạch toán nợ xấu và trích lập dự phòng, nhất là đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản cao.
NHNN thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ đầu năm hỗ trợ nền kinh tế 
NHNN lần đầu tiên 'bơm vốn' qua kênh OMO năm Giáp Thìn