Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Đối tượng người có công phải được ưu tiên khi thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở mục tiêu
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng cần đánh giá thực chất tình hình BĐS tại địa phương, đồng thời nhấn mạnh đối tượng người có công phải được quan tâm, ưu tiên khi điều tiết thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở mục tiêu.
Thông tin trên báo Chính phủ cho biết, sáng ngày 24/10, cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản đã diễn ra do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần đánh giá thực chất tình hình bất động sản tại các địa phương, nơi nào thiếu nhưng không làm, nơi nào thừa mà không bán được, cũng như trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong vấn đề dự báo cung cầu, điều tiết cơ cấu các phân khúc sản phẩm bất động sản.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, đối tượng người có công cần phải được quan tâm, ưu tiên khi điều tiết thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở mục tiêu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong những tháng đầu năm 2024, dù nguồn cung bất động sản có dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn còn khá hạn chế. Cơ cấu sản phẩm phần lớn tập trung vào phân khúc trung - cao cấp, trong khi nhà ở cho người thu nhập thấp và sản phẩm bình dân ngày càng khan hiếm.
Hiện tại, có 939 dự án nhà ở thương mại (chung cư, nhà ở riêng lẻ) đang được triển khai với quy mô khoảng 426.158 căn. Trong số đó, 33 dự án với quy mô 9.101 căn đã hoàn thành và 60 dự án mới với quy mô 31.673 căn đã được cấp phép.
Đối với phân khúc đất nền, 528 dự án đang được triển khai với quy mô 65.321 ô/nền. Có 48 dự án hoàn thành với quy mô 4.537 ô/nền, và 24 dự án mới được cấp phép với quy mô 5.456 ô/nền.
Tính đến ngày 31/8/2024, tổng dư nợ tín dụng dành cho hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.274.233 tỷ đồng, tăng 29,18% so với cùng kỳ năm trước.
>> Bộ Xây dựng: Đề nghị xét lại năng lực vốn của nhà đầu tư muốn làm KCN ở Hải Dương 
Tăng giá bất động sản và những biến động trên thị trường
Trong quý III/2024, giá bất động sản tại một số địa phương tiếp tục có xu hướng tăng, đặc biệt tại Hà Nội, TP. HCM và các đô thị lớn. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của đại bộ phận người dân, nhất là các đối tượng thu nhập thấp và trung bình tại các khu đô thị lớn.
Một số địa phương còn xuất hiện hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Sau khi trúng đấu giá, một số trường hợp bỏ cọc nhằm tạo mặt bằng giá ảo để kiếm lời.
Giá bán bất động sản tăng một phần do chi phí liên quan đến đất đai tăng, cũng như việc áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới.
Chính sách phát triển nhà ở xã hội
Chia sẻ tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết trong tháng 10/2024, Bộ sẽ trình phương án kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết trong tháng 10 sẽ trình phương án kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản - Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Tính đến nay, các địa phương đã quy hoạch 9.757ha đất làm nhà ở xã hội với 622 dự án được triển khai, tổng quy mô 565.177 căn. Trong đó, 79 dự án đã hoàn thành với quy mô 40.679 căn, 131 dự án đang được khởi công xây dựng với quy mô 111.687 căn và 412 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 411.076 căn.
Tuy nhiên, chỉ có 83 dự án tại 63 tỉnh, thành phố đủ điều kiện vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trong đó, 15 dự án được cam kết cấp tín dụng 4.200 tỷ đồng, 57 dự án không có nhu cầu vay vốn và 6 dự án đang được thẩm định.
Người mua nhà tại 32/83 dự án nhà ở xã hội đã được vay vốn theo chương trình 120.000 tỷ đồng với tổng dư nợ 2.099 tỉ đồng, phục vụ 5.236 khách hàng. Trong đó, dư nợ phát sinh chủ yếu tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (2.019 tỷ đồng) nhờ lãi suất vay ưu đãi.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhận định, các vướng mắc trong việc triển khai chương trình nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp chủ yếu đến từ khâu tổ chức thực hiện tại địa phương, bao gồm quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư và huy động nguồn lực.
Bộ Xây dựng cho rằng, cơ chế, chính sách và nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho các dự án nhà ở xã hội hiện vẫn chưa đủ hấp dẫn. Nguồn vốn từ ngân sách dành cho xây dựng nhà ở xã hội còn hạn chế và thủ tục mua, thuê mua nhà ở xã hội vẫn phức tạp, đặc biệt là các yêu cầu xác minh điều kiện nhà ở, thu nhập và cư trú.
>> HoREA kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ người dân chịu tác động của bảng giá đất mới