Ngân hàng Trung ương Mỹ dự kiến sẽ nâng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp vào ngày 1 - 2/11/2022 song mức tăng bao nhiêu cho tháng kế đó và năm 2023 lại đang là chủ đề khó đoán định.
Dẫn nguồn Vietnamplus, báo cáo dữ liệu của Chính phủ Mỹ công bố ngày 21/10/2022 cho thấy thâm hụt ngân sách của nước này trong tài khóa 2022 (kết thúc ngày 30/9 vừa qua) đã giảm 50% xuống còn 1.380 tỷ USD nhờ sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 và khi các chương trình hỗ trợ kết thúc.
Theo Bộ Tài chính Mỹ và Văn phòng Ngân sách Nhà Trắng, đây là mức giảm thâm hụt ngân sách lớn nhất trong 1 năm. Kết quả này có được nhờ những dấu hiệu khởi sắc trên thị trường việc làm qua đó tạo đà cho khoản thu từ thuế cá nhân và doanh nghiệp trong tài khóa 2022 tăng 21% so với tài khóa 2021 lên mức 850 tỷ USD.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, dữ liệu mới nhất về thâm hụt ngân sách của Mỹ cung cấp thêm bằng chứng cho thấy tốc độ phục hồi kinh tế chưa từng có của nước này.
Mặc dù vậy, cuộc chiến chống lạm phát và ngăn cản sự suy thoái nền kinh tế vẫn chưa dừng lại ở cường quốc kinh tế số 1 thế giới này.
Ngày 18/10 vừa qua, Chủ tịch Fed bang Minneapolis cho biết Fed có thể cần phải đẩy tỷ lệ lãi suất chủ chốt lên trên 4,75% nếu lạm phát không ngừng tăng cao.
Ngân hàng Trung ương Mỹ dự kiến sẽ nâng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp vào ngày 1 - 2/11/2022 và sau đó là mức tăng khoảng 0,5 - 0,75% trong tháng 12.
Dựa trên các dự báo được công bố vào tháng trước và các bình luận công khai, hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến ngân hàng này sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất, hiện ở mức 3 - 3,25%, lên 4,5 - 5% vào đầu năm tới.
Cho đến nay, các dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ đang tăng chứ không giảm, bất chấp việc Fed tăng lãi suất mạnh trong năm nay.
Mặc dù các quan chức Fed đang hướng tới phương án nâng lãi suất cơ bản thêm 0,75% tại cuộc họp tháng 11 tới đây song điều quan trọng là họ có thể bàn về khả năng giảm nhịp độ nâng lãi suất trong tháng 12.
“Chúng tôi sẽ bàn luận rất kỹ về nhịp độ thắt chặt chính sách tại cuộc họp kế tiếp”, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết trong bài phát biểu trước đó.
Nhật báo The Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, một số quan chức mong muốn nâng lãi suất chậm lại và ngừng nâng vào đầu năm 2023 để xem các đợt nâng lãi suất trước đó tác động thế nào tới nền kinh tế. Họ muốn giảm bớt rủi ro khiến kinh tế giảm tốc mạnh hơn mức cần thiết.
Trong khi đó, các quan chức khác cho biết vẫn còn quá sớm cho các cuộc bàn luận này vì lạm phát rõ ràng vẫn rất cao và diễn ra trên diện rộng.
“Bây giờ là lúc để bắt đầu lên kế hoạch giảm nhịp nâng lãi suất”, Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly cho biết trong buổi thảo luận tại Đại học California trong ngày 21/10.
Một giải pháp khả thi là các quan chức Fed chấp thuận mức tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 12, đồng thời sử dụng các dự báo kinh tế mới để cho thấy trong năm 2023, họ có thể nâng lãi suất cao hơn một chút so với dự báo của tháng 9/2022.
Các chính sách của Fed sẽ tác động tới thị trường tài chính. Những thay đổi đối với dự báo về quỹ đạo lãi suất có thể ảnh hưởng đến các điều kiện tài chính nói chung.
Ngày 6/10 vừa qua, Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester cho biết sẽ ủng hộ việc tăng lãi suất lên 75 điểm cơ bản trong 2 tháng kế tiếp vì chưa có tiến triển về lạm phát.
“Chúng tôi không thể để suy nghĩ viển vông thúc đẩy các quyết định chính sách của mình”, vị Chủ tịch nhấn mạnh.
Một số quan chức cho biết họ muốn thấy bằng chứng rằng lạm phát hạ nhiệt trước khi giảm nhịp độ tăng lãi suất. “Xét tới chuyện chúng ta chưa đạt tiến triển về lạm phát, tôi kỳ vọng lãi suất sẽ cao hơn mức 4% vào cuối năm”, Chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker cho biết trong ngày 20/10.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard và một số quan chức khác gần đây đã ám chỉ rằng không hài lòng với phương án tăng lãi suất thêm 0,75% trong cuộc họp tháng 12.
CPI lõi giảm nhẹ, Fed thận trọng trước quyết định hạ lãi suất 
Chi trả đầy đủ, kịp thời tiền lương, thưởng Tết cho người lao động