Doanh nghiệp

Quản dự trữ xăng dầu: Bộ Tài chính 'đẩy lại' Bộ Công Thương

Lương Bằng 16/12/2023 - 11:45

Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ chuyển nhiệm vụ quản lý dự trữ quốc gia (DTQG) mặt hàng xăng dầu từ Bộ Công thương sang Bộ Tài chính. Nhưng Bộ Tài chính cho rằng Bộ Công Thương làm việc này mới phù hợp.

Bộ Công Thương quản dự trữ xăng dầu mới phù hợp

Ngày 14/12, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo công tác dự trữ xăng dầu.

Đối với kiến nghị của Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ chuyển nhiệm vụ quản lý dự trữ quốc gia mặt hàng xăng dầu từ Bộ Công Thương sang Bộ Tài chính trong giai đoạn 2024-2025, Bộ Tài chính bày tỏ rõ không đồng tình.

kho chua xang dau.jpg
Bộ Công Thương bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia chung với xăng dầu kinh doanh

Dẫn Luật Dự trữ quốc gia và các nghị định có liên quan, Bộ Tài chính cho biết: Bộ Công Thương được Chính phủ phân công quản lý mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính quản lý nhà nước về lĩnh vực dự trữ quốc gia.

Hơn nữa, xăng dầu là hàng hóa đặc biệt, dễ cháy nổ, độc hại và là ngành hàng kinh doanh có điều kiện; việc bảo quản, vận chuyển, mua bán, nhập, xuất phải tuân theo những tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ; các bể chứa xăng dầu, hệ thống đường ống và phương tiện vận tải phải là các loại chuyên dụng, đặc thù.

Do đó, cơ quan quản lý xăng dầu DTQG phải là cơ quan có năng lực, có chuyên môn, nghiệp vụ; có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Bộ Công Thương là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành, lĩnh vực: Điện, than, dầu khí, năng lượng… (theo Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ).

Vì vậy, việc Chính phủ phân công cho Bộ Công Thương quản lý mặt hàng xăng dầu DTQG là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phù hợp năng lực, điều kiện thực tế về tổ chức bộ máy quản lý của Bộ Công Thương.

Trường hợp Bộ Công Thương kiến nghị chuyển dự trữ mặt hàng xăng dầu DTQG từ Bộ Công Thương sang Bộ Tài chính quản lý, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương đánh giá kỹ cơ sở pháp lý, các ưu điểm, nhược điểm, giải pháp và lộ trình thực hiện để có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Vì sao có quy định nhưng vẫn dự trữ chung với xăng dầu kinh doanh của DN?

Liên quan tới giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo quản xăng dầu Dự trữ Quốc gia, tại văn bản số 13833/BTC-TCDT ngày 14/12/2023 gửi Bộ Công thương, Bộ Tài chính cho biết: Từ khi Luật DTQG ban hành năm 2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013) đến nay, Bộ Công Thương bảo quản xăng dầu DTQG chung với xăng dầu kinh doanh theo hợp đồng bảo quản, phụ lục hợp đồng bảo quản ký với 4 doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo quy định pháp luật về DTQG, xăng dầu DTQG phải được bảo quản riêng nhưng thực tế triển khai, xăng dầu DTQG đang được Bộ Công Thương bảo quản chung với xăng dầu kinh doanh của doanh nghiệp.

Hàng năm (từ năm 2014 đến năm 2022), Bộ Công Thương thực hiện chuyển tiếp các hợp đồng bảo quản đã ký năm 2014 thông qua các phụ lục hợp đồng để bảo quản xăng dầu DTQG; năm 2023 chưa ký hợp đồng bảo quản xăng dầu DTQG.

Theo giải thích của Bộ Công Thương, việc bảo quản riêng mặt hàng xăng dầu chưa thực hiện được do định mức phí bảo quản xăng dầu DTQG chưa phù hợp với thực tế.

Nhưng thông tin phản hồi từ Bộ Tài chính khẳng định, theo quy định tại Thông tư số 108/2013/TT-BTC ngày 13/8/2023, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, dự thảo định mức xăng dầu DTQG và lấy ý kiến tham gia của các cơ quan đơn vị có liên quan gửi Bộ Tài chính thẩm định, ban hành. Từ khi Luật DTQG ban hành năm 2012 đến nay, Bộ Tài chính chưa nhận được văn bản đề nghị kèm hồ sơ xây dựng định mức của Bộ Công Thương.

Để tháo gỡ khó khăn về chi phí bảo quản xăng dầu DTQG khi bảo quản riêng theo quy định tại Điều 51 Luật DTQG, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 16/2020/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 về Quy chế quản lý xăng dầu DTQG. Trong đó, tại Điều 3 Quy chế quy định nguyên tắc quản lý xăng dầu DTQG quy định: Tính đúng, tính đủ chi phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hằng năm theo quy định.

Như vậy, Bộ Tài chính cho rằng: Cơ chế chính sách hiện hành đã có đầy đủ điều kiện để triển khai thực hiện bảo quản riêng xăng dầu DTQG; Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương tổ chức triển khai theo quy định tại Thông tư số 108/2013/TT-BTC ngày 13/8/2023 của Bộ Tài chính quy định về quản lý kinh tế kỹ thuật hàng DTQG.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại văn bản số 5513/BCT-KHTC ngày 15/8/2023, tổng mức xăng dầu DTQG đến ngày 31/12/2022 là 367.125 m3, tấn. Tổng mức xăng dầu này đúng với số lượng Bộ Tài chính đang theo dõi, tổng giá trị khoảng 2.603 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 95% tổng lượng xăng dầu DTQG.
Theo Bộ Tài chính, xăng dầu DTQG từ trước đến nay chưa sử dụng để xuất cấp theo quy định của Luật DTQG; chỉ thực hiện xuất bán (14.751 m3 dầu hỏa DTQG năm 2012), xuất chuyển đổi chủng loại (121.435 m3 chuyển đổi dầu Diesel 0,25%S sang Diesel 0,05%S DTQG năm 2015), xuất hao hụt (hàng năm theo định mức).

>> Đại gia xăng dầu trong vụ bắt ông Lê Đức Thọ cầm cố 33 triệu lít dầu ở BIDV

Giá xăng RON 95 lại tăng vượt mốc 21.000 đồng/lít

Chủ tịch Nghệ An xử phạt doanh nghiệp của nữ đại gia

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/quan-du-tru-xang-dau-bo-tai-chinh-day-lai-bo-cong-thuong-2227435.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Quản dự trữ xăng dầu: Bộ Tài chính 'đẩy lại' Bộ Công Thương
    POWERED BY ONECMS & INTECH