Quan hệ tốt với phương Tây, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vẫn quyết tâm gia nhập BRICS, trật tự thế giới dự kiến xảy ra 'bước ngoặt'?
Indonesia, cũng giống như Ấn Độ, thành viên sáng lập BRICS, có mối quan hệ tốt với cả các nước phương Tây và nhiều khả năng sẽ đứng ở vị thế trung lập.
BRICS là tên viết tắt của nhóm được thành lập bởi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và sau đó là Nam Phi. Sau Hội nghị Thượng đỉnh BRIC đầu tiên tại Ekaterinburg, Nga vào năm 2009, nhóm này chính thức ra mắt, tập trung vào việc nâng cao vai trò của các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển trong trật tự thế giới.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai vào tháng 4/2010, các lãnh đạo BRIC đã chào đón Nam Phi vào nhóm. Theo đó, tên của nhóm đã được đổi thành BRICS để phản ánh sự mở rộng này.
BRICS+ hiện nay đại diện cho 46% dân số toàn cầu và chiếm hơn 1/4 diện tích đất đai trên thế giới. Với thị phần thương mại toàn cầu là 28%, thu hút 25% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), BRICS+ có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy thương mại toàn cầu.
Nhìn chung, BRICS+ hiện đang cạnh tranh với các khối kinh tế toàn cầu khác như EU và G7 về ảnh hưởng và phạm vi kinh tế.
Có thể thấy, thị phần của nhóm G7 trong GDP (PPP) toàn cầu đã giảm từ 42,1% vào năm 2002 xuống còn 29,6% vào năm 2024. Ngược lại, thị phần của nhóm BRICS+ đã tăng từ 24,1% vào năm 2002 lên 36,7% vào năm 2024. Những thay đổi này cho thấy BRICS+ có tiềm năng trở thành khối kinh tế chủ chốt trong việc bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích kinh tế của các nước đang phát triển thuộc Nam Bán cầu.
Mới đây, Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á  đã chính thức trở thành thành viên của BRICS. Đáng chú ý, năm 2023, cựu Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã từ chối gia nhập BRICS với lý do Jakarta vẫn đang cân nhắc ưu, nhược điểm và không muốn "vội vàng tham gia". Nhưng hiện tại, Tổng thống Prabowo Subianto, người đã chiến thắng trong cuộc Tổng tuyển cử năm 2024, dường như không có mối lo lắng như vậy và đã quyết định gia nhập.
Theo DW, sự thay đổi của Indonesia mang tính bước ngoặt đối với trật tự thế giới. Hiện tại, hơn 30 quốc gia, bao gồm các nước Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia…đều bày tỏ quan tâm hoặc muốn xin gia nhập BRICS .
Thế giới đa cực
Sự phát triển của BRICS thành một khối địa chính trị lớn hơn cũng được thúc đẩy bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc như một thế lực kinh tế và chính trị toàn cầu.
Các nước BRICS thường kêu gọi thiết lập một trật tự thế giới "đa cực" trong đó hệ thống an ninh và tài chính không bị chi phối hoàn toàn bởi Mỹ. Các thành viên BRICS cũng thường xuyên thảo luận về sự thống trị của đồng USD và nhu cầu thiết lập các khung tài chính thay thế giữa các quốc gia.
Về mặt ngoại giao, BRICS trở nên rất quan trọng đối với cả Trung Quốc và Nga, như một biểu tượng trong bối cảnh đa cực mới nổi này. Điều đó được khẳng định tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2024 do Nga tổ chức. Moscow đã cho thấy họ vẫn có rất nhiều đồng minh trên khắp thế giới, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Indonesia như một lực lượng cân bằng?
Bình luận về quyết định gia nhập BRICS của Indonesia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ca ngợi quốc gia Đông Nam Á này là "một quốc gia đang phát triển lớn và là một thế lực quan trọng ở Nam Bán cầu".
Tuy nhiên, Indonesia, cũng giống như Ấn Độ, thành viên sáng lập BRICS, có mối quan hệ tốt với cả các nước phương Tây và nhiều khả năng sẽ đứng ở vị thế trung lập.
"Indonesia không có ý định tách khỏi phương Tây dù là muộn hay ngay lập tức", nhà nghiên cứu M. Habib Abiyan Dzakwan, tại Khoa Quan hệ quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Indonesia khẳng định.
Teuku Rezasyah, một chuyên gia quan hệ quốc tế và Giảng viên tại Đại học Padjadjaran, Tây Java cũng nhận định rằng Indonesia có thể đóng vai trò "cân bằng" trong BRICS, đồng thời duy trì quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Theo DW
Việt Nam nói về kế hoạch gia nhập BRICS 
Nóng: Quốc gia Đông Nam Á đầu tiên chính thức gia nhập BRICS