Quốc Cường Gia Lai (QCG) kinh doanh như thế nào trước khi xảy ra biến cố của bà Nguyễn Thị Như Loan?
Theo báo cáo tài chính từ năm 2018-2023, doanh thu của Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCG) có sự biến động không đều đặn.
CTCP Quốc Cường Gia Lai  (mã chứng khoán: QCG) khởi nghiệp từ năm 1994 với lĩnh vực chính ban đầu là khai thác và chế biến gỗ xuất khẩu, cùng với việc mua bán và xuất khẩu nông lâm sản, cà phê và phân bón.
Đến năm 2005, công ty bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực bất động sản và khởi đầu bằng hai dự án khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh 1 và 2 tại TP. HCM.
Năm 2007, Quốc Cường Gia Lai nhận giấy chứng nhận đầu tư  cho các dự án Thủy điện Ia Grai 1 và 2, Pleikeo, Ayun Trung (tỉnh Gia Lai) và 4.000ha cao su.
Theo báo cáo tài chính từ năm 2018-2023, doanh thu của Quốc Cường Gia Lai có sự biến động không đều đặn |
Dựa trên nền tảng sẵn có, công ty bắt đầu thành lập các công ty con và góp vốn vào các công ty liên kết để triển khai các dự án bất động sản. Năm 2007, Quốc Cường Gia Lai mở rộng quỹ đất tại dự án Phước Kiển, Nhà Bè, TP. HCM từ 19ha lên 45ha.
Hai năm sau, công ty tiếp tục đầu tư và xây dựng hàng loạt dự án tại TP. HCM, khai hoang và trồng mới thêm 1.000ha cao su, đồng thời mở rộng dự án Phước Kiển lên 93ha. Nhà máy thủy điện Ia Grai 1 (tỉnh Gia Lai) cũng được khởi công với công suất 10,8MW.
Kể từ đó, Quốc Cường Gia Lai tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh như thủy điện, bất động sản, cao su và chế biến gỗ với địa bàn hoạt động chính tại TP. HCM, Gia Lai, Đà Nẵng, Bình Dương, và Vũng Tàu.
>> Huyện vùng ven tỉnh Nam Định sẽ có khu công nghiệp hơn 200ha 
Tình hình tài chính từ 2018 đến 2023
Theo báo cáo tài chính từ năm 2018-2023, doanh thu của Quốc Cường Gia Lai có sự biến động không đều đặn. Trong giai đoạn 2018-2020, doanh thu tăng qua các năm, đặc biệt năm 2020 đạt mức kỷ lục 1.868 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2021 doanh thu giảm mạnh xuống còn 1.050 tỷ đồng, giảm 44%. Đến năm 2023, doanh thu tiếp tục giảm chỉ còn 432 tỷ đồng.
Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản đã đóng góp phần lớn vào tổng doanh thu của công ty qua nhiều năm. Năm 2018, mảng này chiếm 56% cơ cấu doanh thu của công ty, đạt đỉnh cao nhất vào năm 2020 với 91%. Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm dần, còn 48% vào năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Quốc Cường Gia Lai đạt doanh thu hơn 65 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế âm gần 17 tỷ đồng. Doanh thu giảm 69% so với cùng kỳ năm trước trong khi lợi nhuận vẫn tiếp tục âm. Đáng chú ý, doanh thu từ mảng bất động sản chỉ đạt 8,6 tỷ đồng, chiếm 13% tổng cơ cấu doanh thu.
Thách thức từ lượng hàng tồn kho và chiến lược phát triển bất động sản
Công ty Quốc Cường Gia Lai hiện có nhiều dự án bất động sản đã hoàn thành hoặc đang dang dở. Dù bất động sản là nguồn thu chính, công ty đang đối mặt với lượng hàng tồn kho lớn, vừa là tài sản nhưng cũng là gánh nặng tài chính cần phải xử lý.
Tính đến ngày 30/6/2024, công ty có hơn 7.028 tỷ đồng hàng tồn kho - chiếm 75% tổng tài sản trong đó phần lớn là bất động sản dở dang và hơn 464 tỷ đồng bất động sản hàng hóa.
Báo cáo tài chính quý II/2024 không thuyết minh rõ về số hàng tồn kho này nhưng theo báo cáo kiểm toán năm 2023 với số tồn kho tương đương 7.036 tỷ đồng, công ty đã giải thích chi tiết hơn về các tài sản bất động sản.
Khu dân cư Phước Kiển của Công ty Quốc Cường Gia Lai |
Trong bất động sản dở dang, bao gồm các chi phí tiền sử dụng đất, tư vấn thiết kế, xây dựng và các chi phí khác, Quốc Cường Gia Lai đang triển khai các dự án Khu dân cư  Phước Kiển (TP. HCM), Lavida (TP. HCM), Central Premium (TP. HCM), Marina Đà Nẵng và một số dự án khác.
Đối với bất động sản hàng hóa (đã hoàn thành), công ty có các dự án Chung cư Quốc Cường Gia Lai II - Lô A (TP. HCM), Dự án DeCapella (TP. HCM), Chung cư Giai Việt (TP. HCM) và một số dự án khác.
Hiện nay, dự án Marina Đà Nẵng đang là tâm điểm chú ý, khi CEO Nguyễn Quốc Cường đánh giá đây là dự án có pháp lý hoàn chỉnh nhất trong danh mục của công ty.
Ban lãnh đạo đặt mục tiêu hoàn thành điều chỉnh quy hoạch 1/500 và triển khai các thủ tục cần thiết để kịp bán hàng vào quý IV/2024 hoặc quý I/2025. Trong trường hợp không thể triển khai dự án Marina Đà Nẵng, công ty sẽ xem xét bán tài sản để thu hồi vốn, với dự kiến thu về 1.000 tỷ đồng từ dự án này.
Đóng góp từ mảng điện và kế hoạch tái cơ cấu
Ngoài bất động sản, mảng điện cũng đóng góp đều đặn vào doanh thu hàng năm của Quốc Cường Gia Lai. Năm 2023, doanh thu từ bán điện đạt gần 152 tỷ đồng, chiếm 35% cơ cấu doanh thu.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu từ mảng điện đạt 37,3 tỷ đồng, chiếm 57% tổng doanh thu của công ty.
Doanh thu từ các nhà máy thủy điện mang lại nguồn tiền ổn định, nhưng vào tháng 5/2024, Hội đồng quản trị đã thông qua nghị quyết chuyển nhượng dự án và các tài sản liên quan đến Nhà máy Thủy điện Ia Grai 2 và Nhà máy Thủy điện Ayun Trung (Gia Lai) nhằm tái cơ cấu đầu tư, với tổng giá trị chuyển nhượng là 615 tỷ đồng.
Trước đó, công ty cũng đã ký hợp đồng chuyển nhượng nhà máy thủy điện  Ia Grai 1 trị giá gần 47,7 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Thủy điện Mặt Trời, nhưng hợp đồng này đã bị hủy bỏ vào ngày 26/2/2024.
Tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2024, ông Nguyễn Quốc Cường - Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai - xác nhận kế hoạch thoái vốn 3 dự án thủy điện để thu xếp nguồn tiền trả khoản nợ 2.882 tỷ đồng cho bà Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, vì các dự án thủy điện mang lại nguồn thu ổn định, công ty cũng đang cân nhắc phương án thoái vốn từ các dự án bất động sản khác thay vì thủy điện.
Trong trường hợp thu xếp được khoản nợ 2.882 tỷ đồng, Quốc Cường Gia Lai sẽ nhận lại dự án Phước Kiển (Nhà Bè, TP. HCM). Công ty dự kiến sẽ tự phát triển hoặc hợp tác với các đối tác phù hợp để triển khai dự án này. Hiện tại, nhiều đối tác trong và ngoài nước đã bày tỏ mong muốn hợp tác cùng Quốc Cường Gia Lai.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Cường cho biết để có thể thương thảo với các đối tác, trước hết công ty cần phải giành lại quyền kiểm soát dự án Phước Kiển.
Trước đó, ngày 19/7, bà Nguyễn Thị Như Loan đã bị tạm giam do liên quan đến sai phạm xảy ra tại dự án 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, TP HCM (nay là dự án The Tresor do Tập đoàn Novaland làm chủ đầu tư). Việc bắt tạm giam bà Loan nằm trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan dự án nói trên.
>> Soi khu đô thị gần 2.500 tỷ đồng của Liên danh Tập đoàn ROX Group tại tỉnh Bình Định