Mục sở thị 'miếng bánh' 39-39B Bến Vân Đồn, nơi Quốc Cường Gia Lai từng 'nuôi mộng' làm bến du thuyền
Trong quá trình triển khai dự án, do nhận thấy khu đất 39-39B Bến Vân Đồn nằm ở vị trí "đắc địa", QCG đã dự định làm bến du thuyền kết nối thông với dự án Phước Kiển.
'Miếng bánh' đất công 39-39B Bến Vân Đồn từng khiến loạt sếp ngành cao su "xộ khám"
Dự án đất công 39-39B Bến Vân Đồn nằm ở vị trí đắc địa ngay trên trục đường lớn nhất quận 4, đối diện với trung tâm quận 1 với mức giá bán phổ biến ở mức 66 triệu đồng/m2.
Sau một thời được "phù phép", dự án đất công 39-39B Bến Vân Đồn đã biến thành đất tư, trở thành khu cao ốc phức hợp với nhiều loại căn hộ cao cấp dưới tên gọi The Tresor.
Dự án 39-39B Bến Vân Đồn nằm ở vị trí đắc địa. Ảnh: Internet |
The Tresor nằm đối diện trụ sở Ngân hàng Nhà nước và Trung tâm tài chính quận 1 với hàng loạt những công trình kiến trúc biểu tượng cho TP. HCM như Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM hay tòa Bitexco... Dự án này cũng nằm ở mặt tiền trên đường Bến Vân Đồn - tuyến đường lớn nhất quận 4 đông đúc người qua lại, chạy dọc kênh Bến Nghé.
>>'Miếng bánh' đất công 39-39B Bến Vân Đồn được 'phù phép' thành đất tư thế nào? 
Dự án The Tresor 39-39B Bến Vân Đồn nằm ở vị trí đắc địa. Ảnh: Internet |
The Tresor 39-39B Bến Vân Đồn có tổng diện tích 6.201m2 với 2 tòa tháp, gồm các loại hình căn hộ, thương mại văn phòng, dịch vụ. Khu dự án này có diện tích căn hộ khá đa dạng từ 57m2 đến cao nhất 114m2.
Theo như dữ liệu được thống kê trên Batdongsan.com.vn cho thấy mức giá giao dịch căn hộ tại khu dự án The Tresor phổ biến trong vòng 5 năm trở lại đây ở vào khoảng 66 triệu đồng/m2, tương đương với một dự án lân cận cùng khu và cùng phân khúc.
Dự án thời điểm hiện tại đã hoàn thành và bán hết cho người sử dụng nhưng do đang bị thanh kiểm tra nên những hộ dân mua những căn hộ tại các dự án này hiện chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất.
Cựu tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam Lê Quang Thung (bên trái) cùng các bị can Huỳnh Trung Trực, Phạm Văn Thành tại cơ quan công an. Ảnh: Bộ Công an |
Liên quan đến những sai phạm tại "miếng bánh" đất công 39-39B Bến Vân Đồn, cựu Tổng Giám đốc, quyền Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam Lê Quang Thung cùng nhiều lãnh đạo khác trong ngành cao su đã bị khởi tố để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" tại khu đất công 39-39B Bến Vân Đồn, Q.4, TP. HCM"
Ngày 23/5/2024, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định số 33/QĐ-CSKT-P5 khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan đến các sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, P.12, Q.4, TP. HCM.
Trước khi "xộ khám", CEO Quốc Cường Gia Lai ký văn bản gì liên quan đến "khu đất vàng" 39-39B Bến Vân Đồn?
Mới đây, Bộ Công an xác nhận Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam; lệnh khám xét đối với bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Theo đó, Quyết định này nằm trong quá trình Bộ Công an điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường các đơn vị liên quan xảy ra tại khu đất 39-39B Bến Vân Đồn (phường 12, quận 4, TP. HCM).
Tuy nhiên, trước khi "xộ khám" bà Loan có văn bản khẳng định QCG là bên mua không liên quan đến Tập đoàn Cao su. Theo bà Loan, năm 2013, QCG đã đàm phán và ký kết hợp đồng hứa chuyển nhượng và đặt cọc cho CTCP Đầu tư và Thương mại Việt Tín về việc nhận chuyển nhượng 100% góp vốn Công ty TNHH Phú Việt Tín - Chủ đầu tư dự án 39-39B Bến Vân Đồn.
Cơ quan chức năng hiện đang tiến hành điều ra và làm rõ những sai phạm có liên quan đến dự án 39-39B Bến Vân Đồn. Ảnh: Internet |
Văn bản của bà Loan nêu "Quốc Cường Gia Lai chưa bao giờ làm việc, đàm phán trực tiếp với Tập đoàn cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa liên quan đến việc nhận chuyển nhượng vốn góp này".
Văn bản cũng khẳng định việc nhận chuyển nhượng vốn góp Công ty TNHH Phú Việt Tín - chủ đầu tư dự án 39-39B Bến Vân Đồn "được thực hiện giữa Quốc Cường Gia Lai và Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Tín, ông Đặng Phước Dừa và bà Lê Y Linh là bên được ủy quyền thực hiện".
Liên quan đến việc triển khai dự án và chuyển nhượng lại vốn góp tại dự án 39-39B Bến Vân Đồn, trước đó bà Loan cũng từng cho biết khu đất này sở hữu vị trí đắc địa.
Trong quá trình triển khai dự án, Quốc Cường Gia Lai đã dự định làm bến du thuyền để kết nối từ dự án này thông với dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP. HCM) để đón khách đi tham quan.
Quốc Cường Gia Lai từng dự định xây dựng bến du thuyền tại đây kết nối thông với dự án Phước Kiển. Ảnh: Internet |
Tuy nhiên, do nhận thấy nếu nếu tài chính tập trung vào Phước Kiển thì dự án 39-39B Bến Vân Đồn sẽ chậm tiến độ, không thể đầu tư 2 dự án cùng lúc nên QCG đã quyết định bán bớt để giảm "gánh nặng" về tài chính, tránh rủi ro cho công ty và cổ đông.
Hiện phía cơ quan điều tra chưa công bố hành vi vi phạm cụ thể của bà Nguyễn Thị Như Loan. Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can trong vụ án, đồng thời tiếp tục mở rộng và điều tra các sai phạm khác của QCG cũng như các đơn vị và cá nhân có liên quan để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Trước đó, theo như kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TP. HCM có quyết định thu hồi, giao đất và chỉ định Phú Việt Tín (sau đó sáp nhập vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nova Phúc Nguyên) làm nhà đầu tư thực hiện dự án mà không thông qua đấu giá là không đúng với Luật Đất đai 2003 và Thông tư 03/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Công ty Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư tại khu đất này là vi phạm quy định pháp luật...
>>Mục sở thị 'miếng bánh' 39-39B Bến Vân Đồn khiến loạt cựu sếp ngành cao su 'xộ khám'