Quốc gia giàu bậc nhất thế giới này là nơi người dân được cung cấp hoàn toàn miễn phí các dịch vụ như giáo dục, y tế, điện nước,...
Khi đề cập đến các quốc gia  trên thế giới mà được cho là "không có người nghèo", nhiều người có thể nghĩ đến các tên như Ả Rập Saudi, Monaco,... Tuy nhiên, khi nói đến quốc gia giàu có nhất thế giới mà thực sự không có người nghèo, Qatar là một cái tên không thể không nhắc đến - một quốc gia nhỏ bé, có dân số ít và ít nổi tiếng. Có thể nói, ấn tượng của đa số người về Qatar chủ yếu được hình thành từ khi nước này tổ chức World Cup vào năm 2022.
Qatar nằm trên Bán đảo Qatar, bên bờ biển phía tây nam của Vịnh Ba Tư, giáp Ả Rập Saudi ở phía nam. Quốc gia này có đường bờ biển dài 563km và diện tích tổng cộng khoảng 11.521km2. So về diện tích, quốc gia này chỉ nhỉnh hơn một chút so với tỉnh Thanh Hóa  (11.116km2) của Việt Nam.
Mặc dù chỉ là một hòn đảo nhỏ nhưng Qatar lại sở hữu nguồn tài nguyên khổng lồ. Theo dữ liệu từ "Đánh giá thống kê năng lượng thế giới của BP", trữ lượng dầu thô của Qatar đứng thứ 14 trên thế giới, với trữ lượng đã được chứng minh là khoảng 25,2 tỷ thùng, chiếm khoảng 10% trữ lượng dầu toàn cầu.
Theo số liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, trữ lượng khí heli của Qatar đạt 10,1 tỷ mét khối, xếp thứ hai trên thế giới và chiếm 19,4% tổng trữ lượng toàn cầu. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Qatar hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, đứng thứ hai về sản xuất khí heli, và là một trong những nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới. Dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Qatar, chiếm hơn 70% tổng doanh thu của chính phủ, hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội và khoảng 85% thu nhập từ xuất khẩu.
Lịch sử của Qatar bắt nguồn từ thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên, khi Qatar là một phần của Đế quốc Ả Rập. Nước này đã bị người Bồ Đào Nha xâm chiếm vào năm 1517. Sani bin Mohammed thành lập Tiểu vương quốc Qatar vào năm 1846 và Qatar tuyên bố độc lập vào ngày 3/9/1971.
Kể từ khi độc lập, Qatar đã trở thành một trong những quốc gia giàu có hàng đầu thế giới, với hai yếu tố chính góp phần là dân số ít và tài nguyên phong phú.
Dữ liệu tính đến tháng 5/2023 cho biết, tổng dân số của Qatar ước khoảng 3 triệu người, nhưng GDP của cả nước đã đạt 267 tỷ USD. Mặc dù dân số của Qatar chỉ chiếm 0,04% dân số toàn cầu, nhưng GDP bình quân đầu người đạt con số ấn tượng là 89.400 USD (tương đương khoảng 2,2 tỷ đồng). 250.000 công dân Qatar, tức gần 8% dân số nước này, là những người giàu nhất thế giới, với thu nhập trung bình hàng năm từ 400.000 USD (gần 10 tỷ đồng).
Bởi vì đất nước  này vô cùng giàu có, Chính phủ thường xuyên phát tiền cho người dân theo đúng nghĩa đen. Ngoài ra, các dịch vụ như giáo dục, chăm sóc y tế, tiện ích điện nước,... đều được miễn phí cho người dân. Tóm lại, mọi công dân Qatar đều được nhà nước chăm sóc và cung cấp dịch vụ thiết yếu miễn phí, làm cho việc xuất hiện người nghèo ở đây trở nên rất hiếm hoi.
Sự giàu có của Qatar đã được thể hiện rõ ràng trong kỳ FIFA World Cup 2022. Đất nước này đã chi khoảng 300 tỷ USD để xây dựng các sân vận động và cơ sở hạ tầng để tổ chức giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Tổng số tiền này lớn hơn tất cả các kỳ World Cup và Thế vận hội trước đó cộng lại.
Ngoài việc là quốc gia giàu có bậc nhất thế giới, Qatar cũng nổi tiếng với vấn đề béo phì. Một nửa số người lớn và một phần ba trẻ em ở đây mắc bệnh béo phì, cùng với gần 17% dân số địa phương mắc bệnh tiểu đường. So sánh với Mỹ, chỉ khoảng một phần ba dân số bị béo phì và 8% mắc bệnh tiểu đường. Vấn đề này phần lớn xuất phát từ việc người dân Qatar sống trong sự giàu có đến mức không cần phải làm việc quá nhiều và đã phát triển thói quen ăn đồ ăn nhanh của Mỹ.
"Ở Qatar, chúng tôi chỉ ngồi và ăn đồ ăn nhanh", một cư dân chia sẻ với The Atlantic. Chính phủ cũng phải tiến hành các chiến dịch khuyến khích người dân Qatar ăn ít hơn và tập thể dục nhiều hơn.
Tuy giàu có, nhưng Qatar vẫn chưa thu hút sự nhập cư mạnh mẽ như nhiều quốc gia phát triển khác. Lý do chính là vì Qatar nằm trong khu vực Trung Đông và có nền văn hóa, truyền thống khác biệt so với các nước khác trên thế giới. Giống như nhiều quốc gia láng giềng khác, Qatar là một quốc gia theo đạo Hồi với nền văn hóa và truyền thống đặc trưng riêng.
Hiện tại, Qatar vẫn duy trì chế độ "đa thê" hợp pháp, cho phép một người đàn ông có thể lấy tới 4 vợ. Để hòa nhập và sống tại Qatar, người nước ngoài chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Ngoài ra, quốc gia này cũng không áp dụng nhiều chính sách thu hút người nhập cư, bởi đơn giản là vẫn chưa có nhu cầu.