Quý 3/2023, Chứng khoán VPS, TPS thua đau mảng tự doanh
Nắm giữ lợi thế là một trong những công ty chứng khoán lớn nhất thị trường, tuy nhiên khoản lãi thu về sau 9 tháng của Chứng khoán VPS không thể làm hài lòng những người trong cuộc.
CTCP Chứng khoán VPS (viết tắt VPS) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023 với khoản lãi sau thuế 266 tỷ đồng - tăng 1% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động kỳ này đạt 1.866 tỷ - giảm 19% trong đó các mũi kinh doanh chủ lực ghi nhận diễn biến trái chiều.
Hoạt động môi giới tăng 50% đạt 953 tỷ đồng (thu lãi 204 tỷ); thu lãi cho vay và phải thu đạt 406 tỷ đồng - tăng 32% trong khi thu mảng tự doanh giảm 65% còn 418 tỷ đồng (khấu trừ chi phí, mảng này lỗ ròng 115 tỷ).
Tương tự, Chứng khoán Tiên Phong - TPS (Mã ORS  - HOSE) báo lãi sau thuế quý 3 giảm 16% so với cùng kỳ còn 59 tỷ trong đó bộ phận tự doanh lỗ trăm tỷ khi bán trái phiếu đầu tư.
Ghi nhận tại báo cáo tài chính riêng, TPS đạt doanh thu hơn 656 tỷ đồng - tăng 15% YoY. Trong cơ cấu doanh thu, tự doanh chiếm 211 tỷ đồng, nghiệp vụ lưu ký 282 tỷ đồng và thu nhập khác 82 tỷ đồng chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Chi phí hoạt động trong kỳ tăng 23% lên mức 434 tỷ đồng (chủ yếu do ghi nhận lỗ tự doanh, chi phí lưu ký chứng khoán); chi phí tài chính cũng tăng 75% lên mức 120 tỷ đồng.
Quý 3, tổng giá trị bán trái phiếu của ORS đạt trên 12.000 tỷ đồng song ghi nhận mức lỗ 219 tỷ. Công ty cũng bán lượng cổ phiếu trị giá 129 tỷ đồng và chứng chỉ tiền gửi 1.360 tỷ đồng, thu lãi ròng 8 tỷ.
Tính chung trong quý, mảng tự doanh nói chung của Chứng khoán Tiên Phong báo lỗ 211 tỷ đồng.
Chi tiết lãi/lỗ hoạt động tự doanh trái phiếu quý 3/2023 của ORS |
Lũy kế 9 tháng, VPS đạt 4.785 tỷ đồng doanh thu hoạt động - giảm 32% YoY; lãi trước thuế 590 tỷ - giảm 35% và tương đương 74% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ở mức 466 tỷ đồng (giảm so với mức 730 tỷ cùng kỳ năm trước.
Trên bảng cân đối kế toán, quy mô tài sản của Chứng khoán VPS ở mức 31.851 tỷ đồng - tăng 57% so với đầu năm trong đó tài sản tài chính FVTPL tăng gấp đôi lên mức 7.751 tỷ (chủ yếu do tăng tỷ trọng trái phiếu lên mức 2.203 tỷ - gấp 105 lần đầu năm); tài sản tiền gửi (HTM) ghi nhận 1.571 tỷ đồng (đầu năm không ghi nhận); dư nợ cho vay margin tăng 75% lên mức 10.309 tỷ đồng.
Trong khi đó, Chứng khoán TPS báo lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng 4% lên gần 170 tỷ đồng.
Đến cuối quý 3, tổng tài sản công ty tăng lên mức 7.000 tỷ trong đó dư nợ cho vay giảm hơn 130 tỷ so với đầu năm, còn 867 tỷ đồng; danh mục FVTPL ghi nhận 2.310 tỷ đồng - tăng 48% sau 3 tháng (chủ yếu do tăng đầu tư chứng chỉ tiền gửi gấp 5 lần lên mức 840 tỷ). Bên cạnh đó, công ty phát sinh khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) trị giá 150 tỷ đồng.
Xem thêm: Tăng gấp đôi mảng tự doanh cổ phiếu trong quý 3, Chứng khoán ACBS chịu lỗ 6%