Theo NEAC, quy định mới về công nhận chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam sẽ góp phần hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ tin cậy. Từ đó, thúc đẩy giao thương quốc tế, đảm bảo an toàn giao dịch trực tuyến xuyên biên giới.
Hoàn thiện hành lang pháp lý về chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam
Ngày 5/4, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức hội thảo xin ý kiến góp ý dự thảo “Thông tư quy định công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam ”. Đây là một trong hai thông tư Bộ TT&TT chủ trì soạn thảo và ban hành để hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có nhiều điểm mới. Trong đó, luật có những điểm liên quan đến việc công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài và công nhận chữ ký điện tử, chứng thư điện tử nước ngoài tại Việt Nam.
Lý giải rõ hơn về sự cần thiết của việc xây dựng và ban hành thông tư quy định việc công nhận chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia - NEAC (Bộ TT&TT) cho hay, sau 15 năm triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số, đến nay, mới chỉ có trường hợp của Công ty Intel Việt Nam sử dụng chứng thư số Verisign được chấp nhận tại Việt Nam năm 2011. Việc chấp nhận này được thực hiện theo cơ chế đặc thù, không phải theo quy trình, thủ tục quy định pháp luật thời điểm đó.
Tiếp đó, năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 130 thay thế cho Nghị định 26 năm 2009 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử (2005) về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Nghị định 130 đã điều chỉnh, không còn quy định công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài tại Việt Nam, chỉ còn giữ lại quy định chấp nhận chứng thư số nước ngoài tại Việt Nam.
Trao đổi tại hội thảo, bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC cho biết, trong hội nhập quốc tế giai đoạn mới, khi nhu cầu về hợp đồng  điện tử, giao thương quốc tế ngày càng tăng thì yêu cầu về tính tin cậy quốc tế vừa bảo vệ được dữ liệu cá nhân, dữ liệu quốc gia nhưng vẫn đáp ứng các hiệp ước quốc tế là rất cần thiết.
Mặt khác, các hiệp định công nhận lẫn nhau giữa các nước vẫn đang trong quá trình đề xuất để đưa vào đàm phán. Vì thế, cần có quy định những quy trình, thủ tục công nhận để minh bạch hóa và hỗ trợ hoạt động của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao dịch với các đối tác nước ngoài.
“Trong bối cảnh đó, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã điều chỉnh tạo hành lang pháp lý cho việc công nhận các tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký điện tử nước ngoài, công nhận chữ ký điện tử và chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam. Đây là xu thế chung đã và đang triển khai của đa số các nước trên thế giới ”, bà Tô Thị Thu Hương chia sẻ.
Đảm bảo doanh nghiệp, tổ chức có thể thuận tiện thực hiện quy định mới
Thông tin đến các đại biểu, bà Phùng Thị Anh, đại diện Phòng Hạ tầng và phát triển dịch vụ của NEAC nhấn mạnh, dự thảo “Thông tư quy định công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam” được xây dựng theo nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất với quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2023, không làm phát sinh thêm quy định, khả thi để thực hiện, hiệu quả khi thi hành và không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế.
Gồm 4 chương với 12 điều, dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết về hồ sơ đề nghị, trình tự, thủ tục, thời hạn công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký điện tử nước ngoài và công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam; điều khoản chuyển tiếp; tổ chức thực hiện.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ một số cơ quan bộ, ngành cùng các tổ chức, ngân hàng nước ngoài đã góp ý cho dự thảo Thông tư, tập trung vào các vấn đề về loại hình, cách thức của hồ sơ đề nghị công nhận chữ ký số điện tử, chứng thư chữ ký số điện tử nước ngoài tại Việt Nam. Mục tiêu là vừa đáp ứng quy định của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), vừa khả thi cho tổ chức, cá nhân trong phạm vi điều chỉnh có thể thực hiện một cách thuận tiện.
Đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đại diện NEAC khẳng định, để hệ sinh thái về dịch vụ tin cậy được hoàn thiện, góp phần thúc đẩy giao thương quốc tế  cũng như đảm bảo tính minh bạch, công khai và an toàn của giao dịch trực tuyến xuyên biên giới, thì việc hoàn thiện quy định chi tiết việc công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký điện tử nước ngoài và công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam là rất cần thiết.
Các ý kiến góp ý tại hội thảo sẽ được Bộ TT&TT, trực tiếp là NEAC nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo thông tư một cách tốt nhất. Hiện tại, dự thảo thông tư đang được Bộ TT&TT công bố công khai để lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử mic.gov.vn.
Làm thế nào để biết chắc 1 hợp đồng điện tử là an toàn? 
Hơn 12,4 triệu người dân Việt Nam trưởng thành đã dùng chữ ký số