Quy định mới từ Starbucks: Phải mua hàng nếu muốn sử dụng nhà vệ sinh
Starbucks áp dụng chính sách mới yêu cầu khách hàng phải mua hàng để sử dụng không gian quán và nhà vệ sinh, nhằm ưu tiên trải nghiệm cho người tiêu dùng thực sự.
Starbucks vừa thông báo áp dụng chính sách mới yêu cầu khách hàng phải mua hàng để được sử dụng không gian quán hoặc nhà vệ sinh. Quy định này sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 1 năm nay, theo The New York Times.
Starbucks kỳ vọng rằng quy định mới sẽ giúp khôi phục hình ảnh thương hiệu và đem lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Ảnh minh hoạ |
Chính sách mới này đảo ngược quy định  được đưa ra năm 2018, khi Starbucks cho phép mọi người sử dụng quán cà phê và nhà vệ sinh mà không cần mua gì. Quyết định năm 2018 được đưa ra sau một sự cố gây tranh cãi, khi hai người đàn ông da màu bị đối xử bất công tại một cửa hàng Starbucks vì không mua hàng. Khi đó, ông Howard Schultz, Chủ tịch Starbucks, khẳng định rằng công ty không muốn bất kỳ ai cảm thấy bị phân biệt đối xử.
Tuy nhiên, chính sách này lại gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người lo ngại rằng nó biến Starbucks thành “toilet công cộng”, gây khó khăn trong việc duy trì vệ sinh và trật tự. Một nghiên cứu cho thấy, từ khi chính sách “mở cửa” được triển khai vào tháng 5/2018, lượng khách ghé thăm các cửa hàng Starbucks giảm 6,8% so với các quán cà phê lân cận.
Jaci Anderson, phát ngôn viên Starbucks, cho biết việc triển khai ‘“quy tắc ứng xử” mới nhằm ưu tiên khách hàng đã chi tiền để thưởng thức cà phê tại cửa hàng. Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn tạo ra một môi trường tốt hơn cho tất cả mọi người bằng cách đặt ra những kỳ vọng rõ ràng”. Quy tắc này sẽ được áp dụng tại các cửa hàng Starbucks trên toàn thế giới.
Các hành vi bị cấm bao gồm phân biệt đối xử, quấy rối, hút thuốc và ăn xin. Những ai vi phạm sẽ bị yêu cầu rời khỏi cửa hàng hoặc gặp cơ quan thực thi pháp luật.
Sara Trilling, Chủ tịch Starbucks Bắc Mỹ, cũng nhấn mạnh rằng việc duy trì môi trường sạch sẽ và an toàn là một phần quan trọng trong trải nghiệm của khách hàng. “Chúng tôi đã lắng nghe ý kiến từ các đối tác để thiết lập lại các quy định về cách sử dụng không gian chung”.
Sự thay đổi chính sách diễn ra trong bối cảnh Starbucks đối mặt với áp lực doanh số sụt giảm và giá cổ phiếu lao dốc. Công ty gần đây đã bổ nhiệm giám đốc điều hành mới, ông Brian Niccol, để thực hiện những thay đổi chiến lược. Ông Niccol cam kết đơn giản hóa thực đơn, điều chỉnh giá cả và cải thiện trải nghiệm khách hàng để tái xây dựng niềm tin.
Chính sách “mở cửa” trước đây cũng làm gia tăng các vấn đề xã hội. Một khảo sát năm 2018 tại New York cho thấy 58% quản lý cửa hàng đã chứng kiến tình trạng sử dụng ma túy trong toilet của Starbucks. Tại Seattle, chính quyền đã phải dẹp bỏ các nhà vệ sinh công cộng thông minh sau khi đầu tư 5 triệu USD, vì những nơi này trở thành tụ điểm tệ nạn.
Starbucks kỳ vọng rằng quy định mới sẽ giúp khôi phục hình ảnh thương hiệu và đem lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Những bước chuẩn bị, bao gồm 40 giờ đào tạo cho nhân viên, đang được triển khai để đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ khi chính sách chính thức có hiệu lực vào ngày 27/1.
>>Việt Nam miễn thị thực cho du khách từ ba nước châu Âu