Quỹ ngoại vừa thoái vốn kiếm được bao nhiêu tiền sau 6 năm giữ cổ phiếu ACB?
Thông tin một quỹ ngoại thoái toàn bộ vốn khỏi Ngân hàng ACB mới đây đã gây chú ý đối với nhà đầu tư vì số lượng "khủng" cổ phiếu được trao tay.
Cuối tháng trước, quỹ Whistle Investments Limited đã bán toàn bộ hơn 193,9 triệu cổ phiếu ACB, tương đương với tỉ lệ sở hữu 4,99% tại ngân hàng này. Theo Reuters, mức giá của thương vụ được tiết lộ là 220 triệu USD, chia thành hai lần bán lần lượt là 160 và 60 triệu USD.
Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank ngày 2/4/2024 thì giá trị thương vụ chuyển nhượng này vào khoảng 5.500 tỷ đồng, ngang ngửa mức giá trị quy đổi theo giá đóng cửa của cổ phiếu ACB vào cùng ngày (khoảng 5.493 tỷ đồng)
Trước đó, thông tin về việc chuyển nhượng lượng cổ phiếu kể trên đã được tiết lộ vào đầu tháng 1 năm nay với Reuters khi quỹ CVC Capital Partners chia sẻ đang đàm phán với một số người mua tiềm năng. Quỹ CVC Capital Partners có liên quan đến hai cổ đông ngoại của ACB gồm Whistle Investments Limited và Sather Gate Investments Limited. Cả hai cổ đông này đều sở hữu 4,99% cổ phần của ACB.
Như vậy, sau khi Whistle Investments Limited thoái toàn bộ vốn thì quỹ CVC Capital Partners vẫn còn hiện diện tại Ngân hàng ACB thông qua số cổ phần thuộc sở hữu của Sather Gate Investments Limited.
Hơn 6 năm trước, quỹ CVC Capital Partners đã nhận chuyển nhượng lô cổ phiếu ACB từ tay của Ngân hàng Standard Chartered.
Lượng cổ phiếu này được chia đều cho hai quỹ dưới quyền là Sather Gate Investments Limited và Whistle Investments Limited với số lượng bằng nhau (51.314.828 cổ phiếu) và đều chỉ chiếm đúng 4,99% cổ phần của ngân hàng ACB. Điều này cho phép hai quỹ trên không cần phải công bố thông tin mua bán do chưa sở hữu đủ cổ phần là 5% để trở thành cổ đông lớn theo quy định.
Ảnh: VSD |
Nếu căn cứ vào giá đóng của cổ phiếu ACB tại ngày chuyển nhượng 9/01/2018 là 40.300 đồng/cổ phiếu thì số tiền mà Whistle Investment Limited phải bỏ ra ước chừng khoảng 2.068 tỷ đồng.Chênh lệch giữa tổng giá trị ước mua và ước bán của hai thời điểm rơi vào hơn 3.400 tỷ đồng.
Như vậy, sau 6 năm sở hữu cổ phiếu ACB, Whistle có thể đã thu về chênh lệch hơn 3.400 tỷ đồng. Không loại trừ khả năng thương vụ chuyển nhượng này mang tính chốt lời, trong bối cảnh ngành ngân hàng Việt Nam được dự báo tăng trưởng chậm lại trong năm 2024.
Mới đây vào ngày 4/4/2024, Ngân hàng ACB đã tổ chức Đại hội cổ đông và thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khiêm tốn ở mức10%, thấp hơn hẳn so với mục tiêu tăng trưởng 17% của năm 2023.
Vào cùng ngày, giá cổ phiếu ACB chốt phiên ở mức 27.550 đ/cổ phiếu, giảm 1,61% so với phiên trước đó, và giảm 3,3% từ mức đỉnh lịch sử 28.500 đ/cổ phiếu thiết lập ngày 29/3/2024.
Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy |