Thị giá liên tục lao dốc, thanh khoản giảm mạnh là những gì dễ thấy nhất trên khung đồ thị giá cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (HOSE: VNM) 4 tháng trở lại đây (từ tháng 11/2021).
Trong phiên 24/2/2022, thị trường chung lao dốc mạnh với việc VN-Index mất hơn 17 điểm và rơi về vùng 1.49x. Phiên này, cổ phiếu VNM ghi nhận giảm 1,8% xuống mức 78.600 đồng/cổ phiếu - mức thấp nhất của cổ phiếu này kể từ đầu năm 2020 trở lại đây.
Tính chung từ đỉnh trên 111.000 đồng hồi năm 2021, cổ phiếu này đã giảm hơn 40%; vốn hoá của VNM cũng giảm xuống 164.270 tỷ đồng - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 đến nay đồng thời đánh bật VNM ra khỏi Top 10 mã vốn hóa lớn nhất thị trường (hiện đứng thứ 11).
Đáng nói, sau khi hồi phục khả mạnh tại vùng đáy 79.200 đồng hồi 25/1/2022, phiên này, mã tiếp tục rơi xuống mức 78.600 đồng khiến không ít nhà đầu tư tỏ ra thất vọng.
Mở cửa phiên 25/2, mã dù đã tăng trở lại song đà tăng yếu dần chỉ còn dưới 1%.
Trên khung đồ thị, các đường MA20 - 50 lần lượt chìm sâu dưới đường MA100 tiếp tục cho thấy một hành trình kém sắc của mã này. Nhà đầu tư cần quan sát vùng giá 81.xxx đồng trước khi ra các quyết định mua bán ngắn hạn.
Nhà đầu tư cá nhân "mỏi mòn" chờ giá lên để bán 
Trong hoàn cảnh bị mắc kẹt, chôn vốn thời gian dài, rất nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra mất bình tĩnh.
Trên diễn đàn, nhà đầu tư T.N đặt câu hỏi: "Giờ không biết cắt lỗ hay sao với VNM! Mình vào giá 96.xxx (giá tại thời điểm đầu tháng 3/2021) không biết khi nào mới vào được bờ".
Nhà đầu tư L.N chia sẻ: "Mình mới mua vào 2.000 cổ này giá 80.500 đồng; cầu mong giá lên để mình có lãi còn anh em bớt lỗ".
Một chia sẻ khác từ Fb V.M cho biết, anh đã vào cổ phiếu VNM từ tháng 3/2021 nhưng đã mạnh tay cắt lỗ hồi tháng 7 cùng năm (vùng giá 83.xxx) may gỡ lại chút vốn.
Trong khi một số ý kiến cho rằng nên thoát hàng để đầu tư cổ phiếu khác tiềm năng hơn, phần đa bình luận đều cho rằng nhà đầu tư đang nắm giữ VNM tại vùng giá hiện tại nên giữ hàng vì mã có thể hồi phục trở lại trong ngắn hạn.
Kỳ vọng mảng thịt bò năm 2022
Diến biến xấu của cổ phiếu VNM thời gian qua phần nhiều chịu tác động bởi mức đi ngang của tăng trưởng lợi nhuận. Kỳ vọng cao nhưng thực tế không như mong muốn khiến không ít cổ đông, nhất là nhóm cổ đông ngoại lần lượt thoái vốn khỏi Vinamilk.
Cổ đông lớn "rập rình" hoạt động xuống tiền 
Minh chứng rõ nhất là kết quả kinh doanh năm 2021 của Vinamilk không có sự tăng trưởng; lợi nhuận đi ngang suốt 5 năm qua.
Cụ thể, quý IV/2021 Vinamilk thu về 15.819 tỷ đồng doanh thu - tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận gộp của VNM chỉ tăng 1% lên 6.725 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế xấp xỉ năm 2020 khi giảm khoảng 1% đạt 2.213 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2021, kết quả kinh doanh của VNM cũng không thay đổi nhiều so với năm 2020 và những năm trước. Doanh thu thuần của công ty tăng khoảng 2% đạt 60.919 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 5% YoY còn 10.633 tỷ đồng.
Tính chung, kể từ năm 2017 đến nay lợi nhuận của VNM vẫn luôn ổn định ở mức trên 10 nghìn tỷ và không có sự đột phá.
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán VCBS vừa đưa ra nhận định sản xuất thịt bò được xem là mảng tiềm năng nhất để thúc đẩy Vinamilk tăng trưởng với tốc độ hai con số từ 2023 - 2024 trở đi. Doanh thu từ thịt bò trong năm đầu tiên dự kiến đạt 2.000 tỷ đồng khi đi vào hoạt động. Báo cáo cho biết, Vinamilk sẽ thịt bò nhập khẩu từ Nhật Bản để bán trong năm nay.
Trong khi đó, mảng sữa tươi được các chuyên gia phân tích kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng tiếp tục ổn định trong năm tới. Cùng với sữa Mộc Châu, Vinamilk có thể sẽ tăng thêm thị phần tại thị trường miền Bắc.
Về mảng sữa chua, Vinamilk vẫn giữ được vị thế thống trị chung và tiếp tục đổi mới để duy trì vị thế của mình trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng. Nhu cầu về sữa chua ở Việt Nam sẽ vẫn tăng. Sữa chua có hương vị thuộc phân khúc cao cấp hơn sẽ có mức tăng trưởng sản lượng cao nhất với sự đổi mới đa dạng về muỗng và sữa chua uống của công ty.