Rộng bằng 1.300 sân bóng đá, nhà máy điện quang nổi lớn nhất Trung Quốc chính thức đi vào vận hành
Nhà máy điện quang nổi lớn nhất Trung Quốc là một minh chứng cho sự phát triển và ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo ở nước này.
Theo CGTN, nhà máy điện quang (PV) nổi của Trung Quốc  vừa được kết nối lưới công suất tối đa vào ngày 27/12, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc sử dụng năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường.
Tọa lạc tại thành phố Phụ Dương thuộc tỉnh An Huy phía Đông Trung Quốc, nhà máy điện PV mới được xây dựng trên khu vực ngập nước từng được sử dụng để khai thác than rộng 867ha, với tổng công suất lắp đặt là 650.000 KW.
Với 1,2 triệu mô-đun PV, trang trại năng lượng mặt trời  có diện tích tương đương với diện tích 1.300 sân bóng đá tiêu chuẩn. Sản lượng điện trung bình hàng năm của nhà máy dự kiến đạt 700 triệu kWh, tương đương việc tiết kiệm 220.000 tấn than mỗi năm và giảm khoảng 580.000 tấn carbon dioxide (CO2).
Quang cảnh trạm lưu trữ năng lượng mặt trời - gió ở thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc. Ảnh: CMG |
Được biết nhà máy điện quang tại Phụ Dương này là một trong loạt dự án lưu trữ quy mô lớn tầm cỡ quốc gia đầu tiên ở tỉnh An Huy và khu vực đồng bằng sông Dương Tử. Dự án này tích hợp các nguồn năng lượng như quang điện, năng lượng gió, lưu trữ năng lượng và quản lý khu vực sụt lún, tạo ra một hệ sinh thái nước tự điều tiết.
Toàn bộ dự án bao gồm công trình PV 650 MW, công trình điện gió 550 MW và dự án điện tích trữ 300 MW/600 MWh. Các công trình này có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng hệ sinh thái nước tự điều tiết nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu năng lượng của vùng đồng bằng sông Dương Tử .
Nhà máy điện PV nổi mới tận dụng triệt để mặt nước trống ở các khu vực sụt lún do khai thác than để giảm sự bốc hơi, ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật trong nước. Đồng thời giúp đảm bảo chất lượng nước sạch và bảo vệ lâu dài cho môi trường nước xung quanh.
Nhằm tối ưu hóa môi trường sinh thái, các bộ phận PV được bố trí hợp lý trên mặt nước để hấp thụ năng lượng mặt trời và tạo ra điện. Từ đó hình thành nên mô hình “thủy sản-quang điện bổ sung”.
Hu Lechao, giám đốc dự án của Ban quản lý xây dựng thuộc Cục Năng lượng Tam Hiệp, chia sẻ: “Chúng tôi xây dựng nhà máy điện nổi trên bề mặt nước trống của khu vực sụt lún do khai thác than, tiết kiệm tài nguyên đất. Chúng tôi cải thiện hiệu suất phát điện nhờ khả năng tản nhiệt âm thanh của mặt nước. Sản lượng điện tạo ra mỗi ngày có thể đáp ứng nhu cầu của 700.000 người trong một ngày”.
Đây là một bước tiến quan trọng trong việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và bảo vệ môi trường.