Sacombank tăng trưởng 8 năm liên tiếp dưới thời ông Dương Công Minh, CTCK dự báo thời điểm STB chia cổ tức trở lại
Sau hơn 7 năm tái cơ cấu, Sacombank đã giải quyết đáng kể các vấn đề tồn đọng, cải thiện rõ rệt chất lượng tài sản. Điểm nhấn là việc giảm tỷ lệ nợ xấu từ 4,67% xuống 2,4%.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB ) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 12.720 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của Sacombank, vượt 20% mục tiêu đề ra cho cả năm.
Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 10.087 tỷ đồng, lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ, tăng 31% so với cùng kỳ. Đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp Sacombank duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận, trùng với giai đoạn ông Dương Công Minh  giữ chức Chủ tịch HĐQT từ tháng 6/2017.
Trong quý IV/2024, nhờ tiết giảm 8% chi phí hoạt động và được hoàn nhập hơn 367 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, Sacombank báo lãi trước thuế 4.626 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của Sacombank đạt 748.094 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 539.314 tỷ đồng (tăng 12%), trong khi tiền gửi khách hàng đạt 566.881 tỷ đồng (tăng 11%).
Tổng nợ xấu của ngân hàng là 12.957 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm, trong đó nợ có khả năng mất vốn gần 8.870 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ lên 2,4%.
Theo Chứng khoán VCBS, sau hơn 7 năm tái cơ cấu, Sacombank đã giải quyết đáng kể các vấn đề tồn đọng, cải thiện rõ rệt chất lượng tài sản. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 4,67% năm 2017 xuống 2,4% cuối năm 2024.
Ngân hàng cũng hoàn tất xây dựng báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS 9 và triển khai Basel III, nâng cao minh bạch và quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2024, Sacombank lần đầu được Moody’s và Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm.
Với lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 28.400 tỷ đồng, Sacombank sẵn sàng chia cổ tức trở lại cho cổ đông trong năm 2025, như ban lãnh đạo đã cam kết. Lần cuối ngân hàng chia cổ tức là năm 2015 (cổ tức 12% bằng cổ phiếu cho năm tài chính 2014).
VCBS cũng kỳ vọng lợi nhuận tiềm năng từ việc thanh lý tài sản đảm bảo nợ xấu tại VAMC, chiếm 32,5% vốn điều lệ, sẽ giúp Sacombank đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc trong năm 2025. Tuy nhiên, vẫn tồn tại rủi ro việc bán cổ phiếu và hoàn tất xử lý tài sản có thể kéo dài đến năm 2026.
>> ‘Nhân tố mới’ góp mặt trong danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn tại Sacombank (STB) 
Cập nhật KQKD ngân hàng năm 2024 đến ngày 24/1: ACB, VIB, VPBank, Kienlongbank, VietABank...