Tài sản Chủ tịch Sacombank (STB) Dương Công Minh tăng thêm 560 tỷ đồng
Với thặng dư lợi nhuận từ 28.000-28.500 tỷ đồng, Sacombank (STB) đang tiến gần hơn đến việc chia cổ tức trở lại cho cổ đông từ năm 2025 (sau một thập kỷ) như cam kết của ban lãnh đạo.
Cổ phiếu STB: Điểm sáng trên thị trường
Năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ, với VN-Index tăng trưởng 12%, tương đương năm 2023. Một trong những điểm nhấn lớn là nhóm cổ phiếu ngân hàng, dẫn dắt bởi các mã như LPB , MBB, TCB  và đặc biệt là STB của Sacombank.
Cổ phiếu STB  ghi nhận mức tăng trưởng 35% trong năm 2024, đạt 36.900 đồng/cp, với đỉnh lịch sử 37.850 đồng được thiết lập cuối tháng 12. Mức tăng này nâng vốn hóa lên gần mức 70.000 tỷ đồng và khối tài sản của Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh tăng thêm 560 tỷ đồng lên gần 2.300 tỷ.
Theo Chứng khoán VNDirect, STB dù tăng giá mạnh nhưng các chỉ số định giá như P/E  ở mức 7,8 lần và P/B là 1,3 lần, vẫn thấp hơn trung bình ngành. Đáng chú ý, EPS  của STB đạt 4.641 đồng, chỉ xếp sau VCB trong nhóm ngân hàng cho thấy đây là một trong những ngân hàng tư nhân có khả năng sinh lời hiệu quả.
Cổ phiếu STB tăng trưởng gấp 3 lần mức 12% của VN-Index trong năm 2024 |
Hiệu ứng tích cực của cổ phiếu STB không chỉ đến từ lực kéo của nhóm ngành mà còn phản ánh kết quả kinh doanh vượt trội. Ngân hàng ước tính lợi nhuận trước thuế quý IV/2024 đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận năm 2024 đạt trên 12.700 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử Sacombank.
>> 4 cổ phiếu ngân hàng thường tăng trong các tháng 1, cao nhất 20% 
Thành tựu kinh doanh và hành trình tái cơ cấu
Năm 2024, Sacombank cho biết tiếp tục ghi nhận các chỉ tiêu sinh lời ấn tượng. ROA ước đạt 1,46%, ROE ở mức 20,23%, đều tăng so với năm trước. Tổng tài sản của ngân hàng đạt 29 tỷ USD, tăng 7%; huy động vốn và dư nợ tín dụng lần lượt tăng 12%, đạt 649.000 tỷ đồng và 542.000 tỷ đồng. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh nhà băng này vẫn đang ở giai đoạn cuối của quá trình tái cơ cấu dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Một trong những vướng mắc lớn mà Sacombank đang xử lý là 32,5% cổ phần thuộc sở hữu của ông Trầm Bê, hiện được quản lý bởi VAMC. Việc chào bán số cổ phần này, dự kiến hoàn tất trong năm 2025, sẽ là bước ngoặt lớn mở đường cho ngân hàng tiến vào chu kỳ phục hồi mạnh mẽ.
Với thặng dư lợi nhuận có thể đạt từ 28.000-28.500 tỷ đồng, Sacombank đang tiến gần hơn đến việc chia cổ tức trở lại cho cổ đông từ năm 2025 (sau một thập kỷ) như cam kết của ban lãnh đạo.
Theo Chứng khoán VCBS, năm 2025, Sacombank có thể đạt lợi nhuận trước thuế 15.241 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2024. Theo đó, công ty chứng khoán này đặt giá mục tiêu cho cổ phiếu STB ở mức 42.821 đồng, tương ứng mức tăng trưởng kỳ vọng 18%.
Tuy nhiên, Sacombank vẫn đối mặt với thách thức về nợ xấu . Tính đến cuối quý III/2024, tổng nợ xấu của ngân hàng đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Đặc biệt, nợ nhóm 5 tăng 84%, lên hơn 9.000 tỷ đồng. Dù vậy, các chuyên gia kỳ vọng áp lực trích lập dự phòng sẽ giảm trong năm 2025 khi Sacombank đã hoàn tất phần lớn việc trích lập cho trái phiếu VAMC.
Được biết Sacombank đang đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tất toán trái phiếu VAMC, dự kiến hoàn tất trong giai đoạn 2025-2026. Trong bối cảnh thị trường bất động sản hồi phục, ngân hàng có cơ hội thu hồi tiền từ các tài sản đấu giá. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng giúp Sacombank củng cố nền tảng tài chính và mở rộng hoạt động kinh doanh.