Doanh nghiệp A-Z

Sai phạm cổ phần hóa ACV dù không bắt buộc, nhiều bên liên đới

Quốc Trung 25/11/2024 - 13:54

ACV hiện nằm trong Top 2 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán với 261.200 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 tới nay, công ty đã bỏ túi 24.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận liên quan đến công tác tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong đó nêu rõ các vi phạm nghiêm trọng liên quan đến Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Đây là một trong ba doanh nghiệp lớn được Bộ GTVT chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước vào năm 2018.

Sai phạm cổ phần hóa ACV dù không bắt buộc, nhiều bên liên đới
Ông Vũ Thế Phiệt, Chủ tịch HĐQT ACV

Theo kết luận thanh tra, ACV không thuộc diện phải cổ phần hóa theo các quy định tại Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Lý do là phần lớn các cảng hàng không do ACV quản lý có chức năng lưỡng dụng (vừa phục vụ dân dụng, vừa phục vụ quân sự). Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp này, dẫn đến nhiều khó khăn và vướng mắc trong xử lý tài sản khu bay, đất đai và cơ chế chính sách.

Quá trình cổ phần hóa ACV không đạt được hiệu quả như phương án đã được phê duyệt. Cụ thể, Bộ GTVT đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp khi chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý đối với 29 cơ sở nhà đất và chưa có phương án sử dụng đất được UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt. Ngoài ra, việc xác định lợi thế kinh doanh sai quy định đã dẫn đến thiếu hụt 581 triệu đồng phải nộp ngân sách Nhà nước.

Thanh tra nhấn mạnh trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, ACV và đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp.

Đáng chú ý, ACV còn vướng nhiều sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai khi thực hiện cổ phần hóa. Theo kết luận thanh tra, ông lớn ngành hàng không chưa hoàn tất thủ tục pháp lý về đất đai tại 20 cơ sở nhà đất (ngoài khu vực cảng hàng không, sân bay) với tổng diện tích khoảng 35.124m².

Đặc biệt, tại dự án số 108-112B-114 đường Hồng Hà (quận Tân Bình, TP. HCM), CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) – doanh nghiệp có vốn góp lớn từ ACV – đã hợp tác với Novaland để xây dựng và bán căn hộ khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dự án này chưa hoàn thành các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xác định giá đất và nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

Căn cứ vào kết luận, trách nhiệm được xác định thuộc về Bộ GTVT, UBND TP. HCM, Công ty TNHH Nova Sasco, Sasco và ACV.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, việc cổ phần hóa và quản lý tài sản tại ACV đã dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước mà còn tạo ra nguy cơ mất an ninh, an toàn hàng không. Các cơ quan, đơn vị liên quan cần nhanh chóng khắc phục các tồn tại, hoàn thiện hồ sơ pháp lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

ACV được biết là đơn vị đầu tư, quản lý, vận hành hệ thống sân bay tại Việt Nam. Tính đến cuối tháng 9/2024, doanh nghiệp có quy mô hơn 73.000 tỷ đồng tài sản, vốn chủ sở hữu vượt mức 58.000 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 tới nay, công ty bỏ túi 24.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Trên sàn chứng khoán, ACV hiện nằm trong Top 2 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất với 261.200 tỷ đồng, xếp sau VCB song nhỉnh hơn BID khoảng 400 tỷ đồng.

>> ACV đã tiết kiệm 4.000 tỷ đồng khi xây dựng sân bay Long Thành

Thanh tra Chính phủ: 20 cơ sở nhà đất ngoài sân bay chưa được ACV hoàn tất thủ tục pháp lý

Từ chuyện cổ đông ngoại thoái vốn đến đoạn ‘gấp khúc’ trong hành trình 10 năm của VIB

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sai-pham-co-phan-hoa-acv-du-khong-bat-buoc-nhieu-ben-lien-doi-262067.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sai phạm cổ phần hóa ACV dù không bắt buộc, nhiều bên liên đới
    POWERED BY ONECMS & INTECH