Tài chính Ngân hàng

Từ chuyện cổ đông ngoại thoái vốn đến đoạn ‘gấp khúc’ trong hành trình 10 năm của VIB

Khương Lê 20/11/2024 09:08

Việc cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA) mới đây đã thoái phần lớn vốn tại Ngân hàng VIB không gây quá nhiều bất ngờ cho giới quan sát. Tuy nhiên, sự rút lui của đối tác ngoại từng đồng hành và đóng góp vào nhiều thành công của VIB lại diễn ra vào thời điểm quan trọng trong hành trình phát triển 10 năm của nhà băng này.

Mối "lương duyên" 15 năm

Được thành lập vào năm 1996 với vốn điều lệ khởi điểm 50 tỷ đồng, sau 10 năm hoạt động, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng, gấp 20 lần ban đầu. Tuy nhiên, thời điểm này, VIB vẫn chưa có dấu ấn nổi bật trong ngành tài chính.

Bước ngoặt của VIB bắt đầu từ “cú bắt tay” với Commonwealth Bank of Australia (CBA) vào năm 2009. Là thành viên của "Big Four" ngành ngân hàng Úc (cùng Westpac, NAB, ANZ), CBA giữ vị trí dẫn đầu tại quốc gia này về tổng tài sản, số lượng khách hàng và quy mô thị trường bán lẻ, đặc biệt nổi bật trong mảng cho vay mua nhà và thẻ tín dụng.

Sự đồng hành của CBA đã giúp VIB không chỉ tăng trưởng mạnh về vốn điều lệ mà còn định hình rõ nét chiến lược trở thành một ngân hàng bán lẻ, tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân.

Một minh chứng rõ ràng cho chiến lược này là tỷ trọng dư nợ cho vay cá nhân trên tổng dư nợ của VIB đã tăng mạnh từ 32% năm 2009 lên 90% vào năm 2022 trước khi giảm về 85% vào năm 2023.

Các sản phẩm cho vay cá nhân của VIB chủ yếu phục vụ nhu cầu mua nhà, mua ô tô và kinh doanh, trong đó, thế mạnh tập trung ở mảng vay mua nhà. Theo báo cáo năm 2023, vay mua nhà ở chiếm 77% danh mục cho vay của VIB, còn lại 23% dành cho xây dựng và sửa chữa nhà.

Lấy sản phẩm tín dụng làm cốt lõi, VIB tận dụng cơ hội bán chéo các sản phẩm tài chính khác như thẻ tín dụng, tài khoản hay bancassurance. Nhờ vậy, ngân hàng nhiều năm dẫn đầu thị phần cho vay mua ô tô, đồng thời giữ vị trí nổi bật trên thị trường thẻ tín dụng và nằm trong top đầu về doanh thu phí từ bancassurance.

Từ chuyện cổ đông ngoại thoái vốn đến đoạn ‘gấp khúc’ trong hành trình 10 năm của VIB
VIB và CBA ký kết thỏa thuận chuyển giao CBA Chi nhánh TP HCM năm 2017. Ảnh: VIB

Năm 2017, VIB khởi động hành trình chuyển đổi chiến lược kéo dài 10 năm (2017-2026), với tầm nhìn “trở thành ngân hàng sáng tạo và hướng tới khách hàng nhất tại Việt Nam”, đồng thời muốn khẳng định vị thế là ngân hàng bán lẻ hàng đầu về chất lượng và quy mô.

Trong giai đoạn 2017-2022, VIB đạt nhiều bước tiến quan trọng, từ củng cố thương hiệu, thúc đẩy chuyển đổi số đến tăng trưởng quy mô, tích lũy lợi nhuận và kiểm soát chất lượng tài sản.

Lợi nhuận tuyệt đối và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng trưởng tích cực qua từng năm. Đặc biệt, từ năm 2018, ROE của VIB đã tăng mạnh từ 13% lên 23%, duy trì mức trên 20% trong các năm tiếp theo. Trong ba năm đại dịch Covid-19 (2020-2022), ROE của VIB đạt khoảng 30%, thuộc nhóm cao nhất trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Từ chuyện cổ đông ngoại thoái vốn đến đoạn ‘gấp khúc’ trong hành trình 10 năm của VIB
Lợi nhuận trước thuế và ROE của VIB qua các năm. Nguồn: VIB

Lợi nhuận tăng trưởng ổn định, trong khi tỷ lệ nợ xấu của VIB liên tục giảm, từ 2,58% năm 2016 xuống dưới 2% từ năm 2019, phản ánh hiệu quả trong việc kiểm soát chất lượng tín dụng của ngân hàng.

Từ chuyện cổ đông ngoại thoái vốn đến đoạn ‘gấp khúc’ trong hành trình 10 năm của VIB
Tổng hợp từ báo cáo VIB các năm (%)

Nhắc đến những “trái ngọt” mà VIB đạt được, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của cựu cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA). Theo đó, CBA đã đóng góp đáng kể vào quy trình, công nghệ, sản phẩm và cách tiếp cận khách hàng, giúp VIB phát triển mạnh mẽ trong mảng ngân hàng bán lẻ.

Tuy nhiên, sau 15 năm đồng hành, CBA mới đây đã thoái phần lớn vốn tại VIB, với việc bán ra 448 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 15% vốn điều lệ của ngân hàng.

"Việc thoái vốn phù hợp với chiến lược của CBA là tập trung vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng tại Australia và New Zealand. Sau khi hoàn tất giao dịch, CBA còn nắm gần 5% (4,71%-PV) cổ phần tại VIB", CBA thông báo.

Những ‘gấp khúc’ trong ba năm cuối của hành trình chuyển đổi chiến lược

Việc thoái vốn của CBA được giới quan sát cho rằng đã có kế hoạch từ trước, khi nhà băng Úc đã rút toàn bộ thành viên khỏi HĐQT của VIB vào năm 2019. Dù không gây bất ngờ nhưng sự rút lui của CBA lại diễn ra đúng vào thời điểm quan trọng trong hành trình phát triển của VIB.

“Ba năm cuối của hành trình chuyển đổi chiến lược (2024-2026) được xem là giai đoạn đặc biệt quan trọng, đòi hỏi sự tập trung, tính kỷ luật và nỗ lực cao để VIB tăng tốc, bứt phá và hoàn thành các mục tiêu chiến lược đã đề ra”, báo cáo VIB nhấn mạnh.

Từ chuyện cổ đông ngoại thoái vốn đến đoạn ‘gấp khúc’ trong hành trình 10 năm của VIB
Ảnh minh họa

Sau giai đoạn phát triển thuận lợi, những năm cuối trong hành trình 10 năm của VIB không còn thẳng tiến, khi ngân hàng phải đối mặt với những "gấp khúc" đến từ tác động của các yếu tố vĩ mô như lạm phát cao, xung đột địa chính trị và sự suy giảm sức mua trên thị trường.

Ngân hàng bán lẻ, dù có lợi thế trong việc phân tán rủi ro, nhưng vẫn không tránh khỏi tác động từ những "cơn gió ngược" của thị trường. Năm ngoái, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của VIB chững lại đáng kể khi lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 10.700 tỷ đồng, chỉ tăng hơn 1% so với mức 10.581 tỷ đồng của năm 2022. Trong khi đó, giai đoạn 2017-2022, lợi nhuận trước thuế của nhà băng từng tăng trưởng bình quân gần 50% mỗi năm.

Cùng với đà suy giảm lợi nhuận, ROE (tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu) của VIB cũng mất 5 điểm %, từ mức 30% xuống còn 25%. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngân hàng tại Việt Nam đều chung xu hướng này.

Tổng hợp báo cáo tài chính năm 2023 hợp nhất từ WiChart cho thấy, ROE trung bình của các ngân hàng trong hệ thống năm ngoái đạt 17%, giảm từ mức 19,8% của năm trước. Dù vậy, một số ngân hàng vẫn giữ vững hoặc cải thiện chỉ số này như HDBank, BIDV hay VietinBank.

Trong khi tốc độ kiếm tiền đang chậm lại, gánh nặng nợ xấu đang lớn dần lên.

Sau nhiều năm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2%, VIB đã phải đối mặt với áp lực gia tăng trong việc kiểm soát rủi ro và chất lượng tài sản. Cuối năm ngoái, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã tăng từ 1,79% (năm 2022) lên 2,2%. Đến cuối quý III năm nay, tỷ lệ này chạm mức 2,67%, tăng 0,47 điểm phần trăm so với đầu năm.

Tính đến ngày 30/9/2024, tổng nợ xấu của VIB đạt 11.503 tỷ đồng, tăng 37% so với mức 8.417 tỷ đồng hồi đầu năm. Đặc biệt, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã vượt trên 6.000 tỷ đồng, tăng tới 174% so với đầu năm.

Tuy nhiên, tình trạng nợ xấu gia tăng không chỉ là vấn đề của riêng VIB. Tại phiên chất vấn nhóm vấn đề ngân hàng vào ngày 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, tình hình nợ xấu nội bảng của các nhà băng đang có xu hướng tăng cao. Đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đạt 4,55%, tiệm cận mức cuối năm 2023 và tăng so với năm 2022.

Theo Thống đốc, nguyên nhân chính đến từ khó khăn kéo dài của khách hàng sau đại dịch Covid-19. Dù được hưởng các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, lại chịu thêm thiệt hại từ cơn bão số 3, dẫn đến việc không thể đáp ứng các điều kiện vay mới, góp phần khiến nợ xấu tăng cao.

Từ chuyện cổ đông ngoại thoái vốn đến đoạn ‘gấp khúc’ trong hành trình 10 năm của VIB
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, tổng nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam đạt 253.479 tỷ đồng vào cuối tháng 9, tăng 56.160 tỷ đồng (tương đương 28,5%) so với cuối năm 2023. Mức này chiếm khoảng 2,3% tổng dư nợ cho vay khách hàng của các ngân hàng trong hệ thống.

Xét trên tỷ lệ này, VIB nằm trong nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao. Tuy vậy, tỷ lệ nợ xấu hiện tại của VIB vẫn chưa vượt qua "đỉnh" của 9 tháng đầu năm ngoái, khi con số này ở mức 3,7%. Việc tăng mạnh dư nợ cho vay vào 3 tháng quý IV/2023 đã giúp VIB giảm tỷ lệ nợ xấu (NPL) cuối năm xuống còn 2,2%.

Bên cạnh áp lực từ khả năng trả nợ suy giảm của khách hàng, lực cầu yếu trong lĩnh vực bất động sản tiêu dùng cũng là một thách thức lớn đối với VIB, ngân hàng có tỷ trọng cho vay mua nhà ở chiếm tỷ trọng cao.

Mới đây, tại sự kiện được tổ chức ngày 16/11, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nhận định rằng thị trường bất động sản đang trong quá trình phục hồi, nhưng tốc độ còn chậm và không đồng đều giữa các phân khúc cũng như khu vực. Nhu cầu vốn hiện chủ yếu tập trung vào các nhà phát triển và đầu tư bất động sản, trong khi nhu cầu vay mua nhà đất từ phía người dân tiếp tục giảm sút.

Theo TS Lực, giá nhà ở quá cao khiến người dân ngại vay mua nhà, dẫn đến dư nợ cho vay nhà ở tăng chậm. Tính đến cuối tháng 9, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong khi cho vay kinh doanh bất động sản tăng mạnh 16% thì cho vay mua nhà ở chỉ tăng 4,6%, dù cải thiện 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ chuyện cổ đông ngoại thoái vốn đến đoạn ‘gấp khúc’ trong hành trình 10 năm của VIB
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, phát biểu tại diễn đàn sáng 16/11. Ảnh: Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội

Một thách thức khác của VIB đến từ sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các đối thủ trong phân khúc khách hàng cá nhân. Những năm gần đây, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh khai thác phân khúc này để tận dụng biên lợi nhuận cao và mở rộng cơ hội bán chéo các sản phẩm như bảo hiểm, thẻ tín dụng và tài khoản CASA.

Đơn cử, sản phẩm cho vay mua ô tô đã thay đổi hoàn toàn so với hơn một thập kỷ trước. Trước đây, khách hàng phải chủ động tìm đến ngân hàng để làm hồ sơ vay. Giờ đây, các ngân hàng như VIB, TPBank, VPBank, Techcombank,... đã chủ động hợp tác với các showroom, mang đến các gói vay từ khi khách hàng bắt đầu cân nhắc chọn xe.

“Khách hàng thậm chí còn có thể chọn ngân hàng để làm hồ sơ trước cả khi quyết định chiếc xe muốn mua,” chị Kiều Trang, một nhân viên có 14 năm kinh nghiệm tại showroom của một hãng xe lớn, chia sẻ.

Không chỉ cải tiến cách tiếp cận, sản phẩm cho vay mua ô tô cũng trở nên phong phú và linh hoạt hơn. Các ngân hàng giờ đây cung cấp tỷ lệ vay cao, thời gian vay dài và không giới hạn loại xe, từ ô tô điện, xe nhập khẩu, xe lắp ráp trong nước cho đến xe cũ đã qua sử dụng.

Đặc biệt, sự ứng dụng công nghệ đã giúp rút ngắn đáng kể quy trình vay. Ví dụ, thông qua ứng dụng như R-App hoặc các nền tảng liên kết, khách hàng chỉ cần vài phút nhập thông tin cơ bản để được duyệt khoản vay, ngay cả với xe cũ. Những cải tiến này không chỉ mang lại sự tiện lợi mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho người mua ô tô, tạo nên sức ép không nhỏ trong cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng.

>> Sau thương vụ thâu tóm tỷ đô liên quan đến Citibank Việt Nam, UOB kinh doanh ra sao?

VIB thông báo ngừng toàn bộ giao dịch rút tiền với 2 nhóm đối tượng khách hàng sau

Doanh nhân đứng sau nhóm cổ đông gia đình nắm gần 10% vốn VIB là ai?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tu-chuyen-co-dong-ngoai-thoai-von-den-doan-gap-khuc-trong-hanh-trinh-10-nam-cua-vib-261093.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Từ chuyện cổ đông ngoại thoái vốn đến đoạn ‘gấp khúc’ trong hành trình 10 năm của VIB
    POWERED BY ONECMS & INTECH