Sẵn 2 tỷ đồng, chuyên gia gợi ý ‘công thức vàng’ đầu tư sinh lời, an toàn
Với 2 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, nhiều người băn khoăn không biết nên gửi tiết kiệm hay đầu tư vào kênh nào vừa an toàn lại sinh lời. Chuyên gia khuyên nên phân bổ danh mục đầu tư theo 'công thức vàng'.
Chị Nguyễn Hoài Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) có sẵn 2 tỷ đồng nhàn rỗi nhưng chưa biết nên gửi ngân hàng lấy lãi hay đầu tư .
“Nếu đầu tư thì không biết nên mua bất động sản như đất nền, căn hộ chung cư hay mua cổ phiếu, trái phiếu, mua vàng? Kênh đầu tư nào vừa an toàn lại sinh lời trong tương lai? Hay nên đầu tư mỗi thứ một ít?”, chị Thu băn khoăn.
Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc điều hành Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU), cho rằng, chị Thu nên phân bổ danh mục đầu tư theo “công thức vàng” 40-20-20-10-10 để vừa bảo toàn vốn vừa tận dụng cơ hội gia tăng giá trị đồng tiền.
Cụ thể, theo chuyên gia, trong số tiền 2 tỷ đồng thì nên dùng 40% (tức 800 triệu đồng) để gửi tiết kiệm ngân hàng. Đây là một lựa chọn không thể thiếu, đặc biệt với những ai ưu tiên sự an toàn.
“Gửi ngân hàng là kênh đầu tư ít rủi ro nhất, giúp bảo toàn giá trị vốn. Mức lãi suất hiện nay dao động từ 5,5-6,5%/năm, mang lại nguồn thu nhập thụ động ổn định”, ông Huy nói.
Theo chuyên gia, khi gửi tiết kiệm cần chọn ngân hàng lớn, có uy tín, sức khỏe tài chính tốt. Đồng thời, cần phân bổ vốn vào nhiều kỳ hạn như ngắn hạn (3-6 tháng) để đảm bảo tính thanh khoản, dài hạn (12 tháng) để tối ưu lãi suất. Hay có thể ưu tiên tiết kiệm trực tuyến để nhận được lãi suất cao hơn và tiết kiệm thời gian giao dịch.
Với kênh trái phiếu doanh nghiệp, ông Huy đưa giải pháp nên dùng 20% (tức 400 triệu đồng) để đầu tư. Trái phiếu là cầu nối giữa sự an toàn và lợi nhuận cao hơn, chuyên gia cho rằng đây là kênh đầu tư lý tưởng để gia tăng dòng thu nhập thụ động.
Phân tích thêm, ông Huy cho hay, lãi suất trái phiếu từ 8-12%/năm, cao hơn nhiều so với tiết kiệm ngân hàng. Hơn nữa, vốn gốc được hoàn trả khi đáo hạn, phù hợp với người muốn đảm bảo an toàn.
Song, ông lưu ý, cần chọn trái phiếu doanh nghiệp đầu ngành, minh bạch tài chính và niêm yết trên sàn chứng khoán; lịch sử trả lãi đều đặn, khả năng thanh khoản cao. Có thể ưu tiên ngành công nghệ, năng lượng tái tạo, hạ tầng giao thông, bất động sản công nghiệp.
Cùng với đó, nên dành 20% là 400 triệu đồng trong số tiền nhàn rỗi để đầu tư cổ phiếu. Nhưng cần chọn lọc 3-5 mã cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt và thường xuyên cập nhật thông tin kinh tế, báo cáo tài chính để điều chỉnh danh mục kịp thời.
“Một số ngành trọng điểm khi chọn cổ phiếu như công nghệ, năng lượng tái tạo, hạ tầng giao thông, bất động sản công nghiệp, nhà ở vừa túi tiền... ”, ông Huy gợi ý.
Với kênh đầu tư vàng, vị chuyên gia khuyến cáo nên dành 10% là 200 triệu đồng bởi đây là kênh có giá trị ổn định, ít chịu tác động từ biến động thị trường tài chính; dễ dàng mua bán và lưu trữ.
Song, cần chọn vàng miếng SJC để đảm bảo tính thanh khoản. Bên cạnh đó, theo dõi sát giá vàng thế giới và trong nước để mua vào khi giá điều chỉnh giảm.
Ông Huy cũng gợi ý, nên dành số tiền 10% còn lại để đầu tư vào nâng cao năng lực và mở rộng quan hệ để có nhiều cơ hội kinh doanh, đầu tư mới.
“Với 2 tỷ đồng nhàn rỗi, việc kết hợp các kênh đầu tư an toàn như tiết kiệm và trái phiếu với các kênh có tiềm năng sinh lời cao như cổ phiếu và vàng là chiến lược lý tưởng. Không đặt tất cả 'trứng vào một giỏ', cần phân bổ tài sản hợp lý giúp giảm rủi ro và tăng hiệu quả đầu tư.
Chỉ đầu tư vào các sản phẩm tài chính và doanh nghiệp minh bạch, có tiềm lực tài chính mạnh. Luôn theo dõi thị trường để điều chỉnh chiến lược kịp thời. Đặc biệt, cần kiên nhẫn và kỷ luật bởi đầu tư thành công không đến từ sự may mắn mà từ tư duy đúng đắn và kiên trì với mục tiêu dài hạn”, ông Huy nhấn mạnh.
>> 3 khoản đầu tư giá trị nhất cuộc đời: Bắt đầu ngay hôm nay để không hối tiếc