Sân bay gần 70 năm tuổi, cách sân bay lớn nhất Việt Nam hơn 30km đón tin vui
Nhằm đưa sân bay này thành cảng hàng không lưỡng dụng cấp 4E, Bộ Quốc phòng đã bàn giao hơn 50ha đất để triển khai dự án.
Theo Báo Đồng Nai, liên quan đến dự án nâng cấp sân bay Biên Hòa  thành cảng hàng không lưỡng dụng cấp 4E, Bộ Quốc phòng đã thống nhất bàn giao hơn 50ha đất quốc phòng do Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý tại TP. Biên Hòa cho UBND tỉnh Đồng Nai để triển khai dự án.
Bộ Quốc phòng cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân xác định rõ ranh giới, mốc giới diện tích đất bàn giao tại thực địa, tổ chức kiểm đếm tài sản trên đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đồng thời bảo đảm kinh phí xây dựng các công trình, doanh trại thay thế cho các đơn vị quân đội bị ảnh hưởng, đảm bảo hoàn thành đầy đủ các thủ tục thu hồi và bàn giao đất theo đúng quy định pháp luật.
Để triển khai ý kiến này, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu và xử lý các bước tiếp theo.
Ảnh minh họa |
Trước đó, vào cuối tháng 9/2024, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch sân bay Biên Hòa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc lập quy hoạch nhằm khai thác tối ưu hạ tầng hiện có của sân bay, đáp ứng đồng thời nhu cầu vận tải và nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn hàng không.
>> Bình Định sắp có nhà máy hơn 10 triệu USD tại khu kinh tế lâu đời bậc nhất Việt Nam 
Quy hoạch còn hướng đến việc bố trí không gian hợp lý, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không quốc gia, đồng thời đề xuất lộ trình đầu tư phù hợp với các giai đoạn phát triển.
Nhiệm vụ lập quy hoạch yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia về hàng không dân dụng, sân bay quân sự, cùng các khuyến cáo của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) nhằm đảm bảo tính khả thi. Phạm vi nghiên cứu không chỉ bao gồm khu vực sân bay Biên Hòa hiện tại mà còn mở rộng sang các khu vực lân cận.
Các nội dung chính của quy hoạch bao gồm khảo sát, thu thập số liệu, dự báo nhu cầu vận tải hàng không, quy hoạch vùng trời, đường bay, phương thức bay, đồng thời đánh giá khả năng và đề xuất phương án quy hoạch khu bay, khu mặt đất và các công trình liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác trong tương lai, phù hợp với định hướng phát triển của ngành hàng không quốc gia.
Như vậy, trong tương lai, Đồng Nai sẽ có hai sân bay có thể khai thác các chuyến bay thường lệ - sân bay Biên Hoà và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Được biết, Sân bay Biên Hòa được xây dựng từ năm 1955, hiện có diện tích khoảng 967ha với khoảng 50ha được quy hoạch cho khu hàng không dân dụng.
Vị trí sân bay nằm tại phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cách sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM) gần 30km và sân bay Long Thành (Đồng Nai) hơn 32km.
Hiện tại, đây là sân bay quân sự cấp 1 với 2 đường cất hạ cánh. Khi hoàn thành đây sẽ là sân bay dân sự thứ 2 của tỉnh Đồng Nai.
Từ khi xây dựng đến nay, sân bay chủ yếu phục vụ mục đích quân sự và huấn luyện bay bảo vệ vùng trời.
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với diện tích 1.500ha là sân bay lớn bậc nhất Việt Nam với công suất phục vụ lên đến hơn 30 triệu lượt khách mỗi năm.
Sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành (5.000ha) đi vào hoạt động, sân bay Tân Sơn Nhất chính là một trong hai sân bay lớn nhất Việt Nam, được quy hoạch trở thành trung tâm kết nối giao thông trong và ngoài nước.
>> Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Hé lộ vị trí 5 ga hàng hóa