Dự án đường sắt 3,45 tỷ USD nối trung tâm TP. HCM tới sân bay lớn nhất Việt Nam có chuyển động mới
Theo báo cáo, tuyến đường sắt có chiều dài chính tuyến là 41,83km, trong đó 40,67km đi trên cao, 15,13km đi ngầm và 0,43km đi trên nền đất.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - ông Trần Hồng Minh mới đây đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt  Thủ Thiêm - Long Thành.
Theo đó, hội đồng này bao gồm 15 thành viên, do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - ông Nguyễn Danh Huy làm Chủ tịch; các lãnh đạo đến từ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ là các thành viên trong hội đồng.
Nhiệm vụ của hội đồng là rà soát, đánh giá toàn diện nội dung báo cáo, đảm bảo các yếu tố cần thiết để trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định hiện hành.
Trước đó, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã trình Bộ Giao thông vận tải báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, được thực hiện bởi liên danh nhà thầu Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) và CTCP Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải phía Nam (TEDI SOUTH).
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành được thiết kế với điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) và điểm cuối tại sân bay Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Tuyến đường sắt này là cầu nối giữa trung tâm TP. HCM và sân bay Long Thành với tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm, tải trọng trục 16 tấn/trục, sử dụng công nghệ điện khí hóa tiên tiến.
Tốc độ thiết kế tối đa trên chính tuyến là 120km/h, trong hầm là 90km/h; tốc độ khai thác tối đa lần lượt là 110km/h và 80km/h. Năng lực chuyên chở của tuyến đường được tính toán đạt từ 30.000-40.000 người/hướng/giờ.
Tuyến đường sắt có chiều dài chính tuyến là 41,83km, trong đó 40,67km đi trên cao, 15,13km đi ngầm và 0,43km đi trên nền đất, cùng với 4,4km đường dẫn vào depot.
Toàn tuyến gồm 20 nhà ga, bao gồm 16 ga trên cao và 4 ga ngầm. Depot chính của dự án được bố trí tại xã Cẩm Đường, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, đồng thời có một bãi đỗ tàu, trạm sửa chữa và vệ sinh tàu đặt tại Thủ Thiêm.
Ngoài việc kết nối trực tiếp trung tâm TP. HCM với sân bay Long Thành, tuyến đường còn tích hợp với các hệ thống giao thông lớn khác, bao gồm metro số 2 tại ga Thủ Thiêm, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu tại ga S18 và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại cả hai ga Thủ Thiêm và Long Thành.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án được tính toán khoảng 84.752 tỷ đồng, tương đương 3,45 tỷ USD, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư chiếm khoảng 5.504 tỷ đồng.
Dự án được đề xuất triển khai theo hình thức đầu tư công với mục tiêu phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2025, khởi công trước năm 2030 và hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2035.
Dự án sân bay Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm.
Giai đoạn 2 triển khai từ 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.