Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Nếu không chuẩn bị tốt, doanh nghiệp Việt có thể bị thua ngay trên 'sân nhà'
Ngành GTVT nói chung và ngành đường sắt nói riêng đều đã sẵn sàng với quyết tâm "chỉ bàn làm, không bàn lùi" nhằm đưa Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam sớm triển khai.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo đó, dự án sau khi xây dựng được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là "bàn đạp" thúc đẩy sự vươn lên của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Theo báo VOV, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam  sẽ có chiều dài 1.541km, đi qua 20 tỉnh/thành phố, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các hành lang Đông Tây, các cực tăng trưởng nhằm tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội.
Theo các chuyên gia, ở giai đoạn đầu tư, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD.
Theo đó, nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị cũng sẽ tạo ra thị trường xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD; các phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD cùng hàng triệu việc làm, đây cũng được xem là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt tham gia và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Việc Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã đánh dấu mốc quan trọng đối với ngành đường sắt nói riêng và ngành GTVT nói chung, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như lời đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.
>> Thủ tướng chỉ đạo 'nóng' về dự án sân bay Long Thành và các tuyến đường kết nối
"Chỉ bàn làm, không bàn lùi"
Tân Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh nhận định dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án có quy mô rất lớn với khối lượng công việc nhiều và phức tạp, lần đầu được triển khai tại Việt Nam.
Nhằm đáp ứng được lộ trình sẽ dự kiến khởi công vào năm 2027 và cơ bản hoàn thành vào năm 2035, Bộ GTVT nhận định nước ta còn rất nhiều việc và nhiều bước phải làm, vì thế việc triển khai dự án sẽ là một hành trình dài với không ít khó khăn, thách thức.
Phối cảnh Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh minh họa |
Dù vậy, ngành GTVT nói chung và ngành đường sắt nói riêng hiện đang sẵn sàng với khí thế cao nhất, nâng cao quyết tâm với kim chỉ nam "chỉ bàn làm không bàn lùi" nhằm sớm đưa dự án triển khai đúng tiến độ.
Ngay khi đảm nhận trọng trách to lớn này, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đã cùng tập thể lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá và nhận diễn các khó khăn, thách thức phải đối mặt khi triển khai dự án.
Nhằm có thể bắt tay triển khai dự án một cách sớm nhất, Bộ GTVT dự kiến sẽ tham mưu trình Chính phủ ban hành nghị quyết chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, khẩn trương triển khai nhiệm vụ, giải pháp cũng như các chính sách đặc thù được nêu trong nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là các chính sách có liên quan đến việc huy động nguồn lực đầu tư, rút ngắn tiến độ.
Trước mắt, Bộ GTVT sẽ lựa chọn nhà thầu tư vấn báo cáo lập nghiên cứu khả thi (F/s).
Bộ GTVT cũng sẽ làm việc với các địa phương nhằm cụ thể hóa chi tiết về hướng tuyến, nhà ga, giải phóng mặt bằng nhằm có thể khởi công vào cuối năm 2027.
Theo đó, một số phần việc quan trọng sẽ được triển khai ngay như: Chỉ đạo BQLDA đường sắt rà soát, kiện toàn mô hình quản lý đầu tư; hoàn thiện đề án nhân lực trong lĩnh vực đường sắt; xây dựng đề án phát triển công nghiệp đường sắt và công nghiệp phụ trợ...
Lãnh đạo ngành GTVT khẳng định "Với sự quyết tâm, nỗ lực của ngành GTVT, sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta sẽ thực hiện thành công dự án mang tính biểu tượng của kỷ nguyên mới này".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ phối hợp với các Bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan tiến hành rà soát vấn đề về nguồn vốn đầu tư, đánh giá tác động về tài chính, kinh tế - xã hội nhằm tham mưu với Chính phủ kịp thời, đảm bảo đầu tư dự án gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh tài chính quốc gia.
Bộ Tài chính cũng sẽ rà soát cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho dự án, trong đó có việc sẽ tham gia hướng dẫn cơ chế chính sách đặc thù về nguồn vốn cho dự án, hướng dẫn vay vốn, kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Doanh nghiệp Việt mong mỏi được giao việc
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công trên tinh thần tự lực tự cường, do đó, việc dự án "khủng" được thông qua đã đặt đội ngũ doanh nghiệp trong nước đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức lớn.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, các doanh nghiệp đều mong mỏi tham gia vào dự án để được đóng góp sức mình vào công trình được xem là biểu tượng và niềm tự hào quốc gia. Do đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị đầu tư, đổi mới, nâng cao năng lực nhằm đáp ứng yêu cầu cao của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Doanh nghiệp Việt mong mỏi được tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh minh họa |
Dù vậy, để có thể đảm bảo được năng lực cũng như tiết kiệm được thời gian trong tất cả các khâu thực hiện dự án, việc nghiên cứu cơ chế đặc thù cho các nhà thầu trong nước tham gia là việc cần sớm được thực hiện.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đào Ngọc Vinh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT, nhấn mạnh rằng việc xây dựng cơ chế hỗ trợ các nhà thầu Việt Nam tham gia dự án đường sắt tốc độ cao là yếu tố vô cùng quan trọng. Đây là dự án lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, với chiều dài 1.541km - thuộc tốp 10 thế giới, và tốc độ vận hành lên đến 350km/giờ, cao nhất hiện nay đối với đường sắt chạy trên ray.
Ông Vinh cho rằng, ngoài việc các doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng nâng cao năng lực, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu cơ chế đặc thù.
Theo đó, các nhà thầu nội địa chỉ cần đáp ứng kinh nghiệm thi công các công trình tương đương như đường cao tốc, cầu dây văng hay công trình cấp đặc biệt là có thể tham gia đấu thầu dự án này.
Đối với yêu cầu sử dụng sản phẩm và dịch vụ trong nước, ông Vinh đề xuất rằng Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cần kiến nghị cơ chế cộng điểm cho các liên danh có tỷ lệ nhà thầu Việt Nam tham gia lớn. Điều này không chỉ giúp nâng cao vị thế của nhà thầu trong nước trong các hợp đồng xây dựng mà còn mở rộng cơ hội tham gia vào các dự án trọng điểm.
Một trong những vấn đề then chốt để đảm bảo tiến độ của dự án đường sắt tốc độ cao là công tác giải phóng mặt bằng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh rằng chính quyền địa phương cần chủ động trong việc tạo quỹ đất sạch cho các dự án hạ tầng quốc gia, tránh tình trạng dự án bị đình trệ do thiếu mặt bằng.
Ông Kiên chỉ ra rằng, từ trước đến nay, chưa có lãnh đạo địa phương nào bị kỷ luật vì không hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, dẫn đến trách nhiệm bị đùn đẩy và không rõ ràng. Do đó, lần này cần phân cấp, phân quyền cụ thể, giao trách nhiệm rõ ràng để tránh những trở ngại không đáng có.
Với sự đồng thuận cao từ Quốc hội, việc thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao thể hiện sự kỳ vọng lớn của người dân trên cả nước. Ngay sau quyết định mang tính lịch sử này, Bộ GTVT, các bộ ngành, địa phương và các nhà thầu đều đã thể hiện quyết tâm cao độ nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai, tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế.
“Với quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, chúng ta có cơ sở để hy vọng dự án sẽ hoàn thành vượt tiến độ”, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết.
Nếu không chuẩn bị tốt, doanh nghiệp Việt có thể bị thua ngay trên “sân nhà”
Tại Việt Nam, tổng kinh phí đầu tư sơ bộ cho Dự án đường sắt tốc độ cao ước tính khoảng 67 tỷ USD, tương đương trung bình khoảng 43 triệu USD/km. Đây được coi là mức đầu tư trung bình so với các quốc gia trên thế giới, đã được các chuyên gia nghiên cứu và đánh giá là phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Bình quân mỗi năm, dự án cần khoảng 5,6 tỷ USD để triển khai.
Chia sẻ trên Đài phát thanh truyền hình Hà Nội, ông Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết: "Chúng tôi đã phân tích các kịch bản cũng như độ nhạy về tài chính và kinh tế, nhằm tiên lượng các rủi ro và đưa ra giải pháp kiểm soát trong suốt quá trình thực hiện dự án".
Theo kinh nghiệm quốc tế, để đảm bảo tính khả thi, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo, kết hợp với các nguồn vốn hợp pháp khác dựa trên nguyên tắc đảm bảo chi phí hợp lý và không bị ràng buộc bởi công nghệ.
Theo các chuyên gia, nếu không có sự chuẩn bị tốt, các doanh nghiệp Việt có thể sẽ bị thua ngay trên "sân nhà". Ảnh minh họa |
Đồng thời, cần huy động các nguồn vốn chi phí thấp từ cả trong và ngoài nước. Trong giai đoạn khai thác, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư các khu dịch vụ và thương mại tại các ga, cùng với doanh nghiệp trả phí thuê kết cấu hạ tầng cho Nhà nước, sẽ góp phần tối ưu hóa nguồn lực tài chính.
Đại tá Phan Phú - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty 319 - Bộ Quốc phòng, chia sẻ: "Tôi tin rằng những doanh nghiệp tham gia vào dự án này đều là những doanh nghiệp yêu nước. Chúng tôi không chỉ nhìn thấy cơ hội tạo ra hàng triệu việc làm mà còn nhận thấy đây là một dự án mang tầm vóc quốc gia, xứng đáng để chúng tôi dành trọn tâm huyết. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thất bại ngay trên sân nhà".
Kể từ khi ra đời 60 năm trước, đường sắt tốc độ cao đã phát triển tại 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 60.000km đã đưa vào khai thác và khoảng 20.000km đang trong quá trình xây dựng. Dự án này mang lại cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, vì đây là dự án yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật cao và công nghệ hiện đại, lại chưa từng được triển khai trong nước, việc chuẩn bị kỹ lưỡng là yếu tố sống còn.
Theo TS. Phan Lê Bình - Trưởng đại diện Văn phòng Công ty tư vấn OCG Nhật Bản, phần nền tảng của dự án đã được chuẩn bị tương đối tốt, nên việc tiếp thu, cải thiện và từng bước làm chủ công nghệ xây dựng, thi công đường sắt tốc độ cao hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta. Tuy nhiên, trước mắt vẫn cần sự hỗ trợ từ các nhà thầu tiên tiến nước ngoài.
Ngoài ra, một trong những thách thức lớn nhất là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực đường sắt.
Việc đào tạo nhân lực có thể mất từ 5 đến 10 năm, do đó cần sớm triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu để nâng cao trình độ của đội ngũ kỹ sư trong nước, tạo tiền đề thuận lợi cho việc tiếp cận và làm chủ công nghệ nước ngoài.
Với những thành tựu nổi bật trong phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua, cùng sự quyết liệt trong chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự thống nhất hành động từ các bên liên quan, khát vọng hiện thực hóa tuyến đường sắt tốc độ cao - theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng - chưa bao giờ gần với thực tế như hiện nay.