Sân chơi mới ngành bán lẻ: Cuộc chiến 'sân nhà' trước sự đổ bộ của các thương hiệu xa xỉ quốc tế
Thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của các thương hiệu xa xỉ nhờ vào mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng.
Báo cáo thị trường bất động sản mới đây của Avison Young Việt Nam cho thấy, trong quý II/2024, thị trường bất động sản bán lẻ tại TP. HCM đã ghi nhận thêm 48.000m2 nguồn cung mới từ dự án Vincom Mega Mall Grand Park, tọa lạc tại phía Đông của thành phố (TP.Thủ Đức).
Tổng nguồn cung hiện tại vượt qua 1 triệu m2, trong đó hơn 70% diện tích bán lẻ nằm ở khu vực ngoài trung tâm. Phân khúc chiếm thị phần lớn nhất là trung tâm thương mại, với tỷ lệ khoảng 88%.
Dự án Vincom Mega Mall Grand Park đã bắt đầu đón khách từ đầu tháng 6 và chính thức khai trương vào ngày 20/7. Dự án gồm 5 tầng nổi, hiện quy tụ hơn 120 thương hiệu nổi tiếng từ trong và ngoài nước như Uniqlo, MUJI, ACFC Fashion, Bath & Body Works. Dự án còn kết hợp với mô hình "Park-in-mall", mang đến không gian xanh cho khách tham quan và mua sắm.
Giám đốc cấp cao khối Tư vấn và Nghiên cứu, JLL Việt Nam nhận định, thị trường trung tâm thương mại (TTTM) trọng điểm tại TP. HCM trong quý II/2024 đã ghi nhận mức hấp thụ thuần khoảng 33.500m2, chủ yếu đến từ khu vực ngoài trung tâm. Cụ thể, Vincom Mega Mall Grand Park (Quận 9) đạt mức hấp thụ gần 29.000m2 với tỷ lệ lấp đầy 90% ngay sau khai trương. Khách thuê nổi bật tại đây bao gồm CGV (2.200m2) và Uniqlo (2.000m2).
Trong khi đó, Thisomall Phan Huy Ích (Gò Vấp) cũng ghi nhận sự gia nhập của các thương hiệu lớn như Muji (2.000m2), Kidscamp (400m2), và Chang Kang Kung (400m2). Trái ngược với khu vực ngoài trung tâm, thị trường khu trung tâm ghi nhận mức hấp thụ thuần âm nhẹ (khoảng 1.200m2) do sự rời đi và thu nhỏ quy mô của một số khách thuê kém hiệu quả.
Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield (C&W) Việt Nam cho biết, triển vọng tương lai cho thấy các nhà bán lẻ quốc tế sẽ tiếp tục tham gia hoặc mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam, trong các lĩnh vực như ăn uống, thời trang và hàng xa xỉ. Sự gia tăng của các thương hiệu xa xỉ quốc tế tại Việt Nam là một xu hướng đáng chú ý, với nhiều nguyên nhân và tác động tích cực đến thị trường.
Một số hoạt động nổi bật của các thương hiệu xa xỉ trong nửa đầu năm 2024 bao gồm việc Hermès Paris mở cửa hàng pop-up tại Lotte Mall West Lake Hanoi (Quận Tây Hồ, Hà Nội) và sự xuất hiện của Piaget tại Union Square (TP. HCM). Bên cạnh đó, các thương hiệu như Cartier và Jacob & Co cũng đã khai trương cửa hàng tại Union Square và đường Đồng Khởi, Quận 1.
Theo C&W, nguồn cung mới trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 52.421m2, nâng tổng nguồn cung toàn thành phố lên 1,13 triệu m2. Giá thuê trung bình đạt 53 USD/m2/tháng, giảm nhẹ 1,5% so với quý trước nhưng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lấp đầy đạt 90%, tăng nhẹ 0,8 điểm phần trăm theo quý và duy trì ổn định theo năm. Việc mở mới và cải tạo các trung tâm mua sắm đã góp phần cải thiện công suất thuê chung.
Theo Avison Young, thị trường bất động sản bán lẻ tại khu vực ngoài trung tâm TP. HCM ghi nhận nhiều biến động hơn so với khu vực trung tâm trong quý trước. Giá thuê trung bình tại khu vực ngoài trung tâm giảm 4% so với quý I/2024, dao động từ 20-117 USD/m2/tháng. Trong khi đó, giá thuê tại khu vực trung tâm dao động từ 46-300 USD/m2/tháng. Tỷ lệ lấp đầy ở cả hai khu vực duy trì ổn định, đạt 96% tại khu vực trung tâm và 76% tại khu vực ngoài trung tâm.
Dự án Vincom Mega Mall Grand Park, khai trương đầu tháng 6, đã ghi nhận tỷ lệ lấp đầy 70%. Với giá thuê trung bình dao động từ 20-25 USD/m²/tháng, dự án này đã thu hút nhiều thương hiệu đến mở cửa hàng. Tại trung tâm thương mại THISO Mall, thương hiệu Nhật Bản MUJI cũng đã khai trương cửa hàng.
Thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của các thương hiệu xa xỉ nhờ vào mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng với GDP trung bình trên 4% mỗi năm. Điều này đã tạo ra tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày càng lớn, có khả năng chi tiêu cao cho các sản phẩm xa xỉ.
Mặc dù sự hiện diện của các thương hiệu nước ngoài đã làm dấy lên lo ngại về việc cân bằng thị trường, bà Trang Bùi nhấn mạnh rằng sự tham gia của họ cũng tạo cơ hội cho các thương hiệu nội địa phát triển. Các nhà bán lẻ nội địa có lợi thế "sân nhà", dễ dàng tiếp cận các vị trí bất động sản đắc địa và đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng truyền thống của người Việt.
Các tập đoàn nước ngoài như AEON cũng đang góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua các sáng kiến về môi trường và xã hội, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng địa phương.
Dù các thương hiệu nước ngoài đang mở rộng mạnh mẽ, ngành bán lẻ Việt Nam không bị chi phối hoàn toàn bởi họ. Thay vào đó, sự hiện diện của các thương hiệu quốc tế thúc đẩy cạnh tranh và phát triển lành mạnh, mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp nội địa.
>> Nhà bán lẻ lâu đời nhất Việt Nam chính thức 'đặt chân' vào lĩnh vực khách sạn 
'Trái tim' của TP. HCM sẽ là mảnh đất hứa cho các 'đại bàng' tài chính vươn cánh 
Tỉnh đông dân nhất cả nước cần 1,65 triệu tỷ đồng để đạt GRDP bình quân trên 10,1%