Sập cầu vượt đang thi công giữa trục đường huyết mạch: Tiến hành hoạt động cứu hộ khẩn cấp, huy động cần cẩu 140 tấn tới hiện trường
Tại hiện trường, các khối bê tông lớn và sắt thép nằm ngổn ngang cùng với xe cộ.
Vào ngày 31/3/2016, một vụ sập cầu  vượt trên cao tại con phố đông đúc ở khu vực công viên Girish, phía Bắc thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, miền Đông Ấn Độ đã khiến 26 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Theo các công nhân xây dựng, cây cầu vượt đang thi công tại trung tâm Kolkata đã gặp sự cố từ đêm 30/3 khi tiến hành đổ bê tông. Trong khi đó, các chuyên gia xây dựng cho rằng nguyên nhân khiến đoạn cầu dài 100m bị sập có thể do sai sót trong quy hoạch, việc nhiều lần hoãn tiến độ hoặc năng lực yếu kém của nhà thầu.
Công tác cứu hộ, cứu nạn khi đó được tiến hành rất khẩn cấp. Quân đội và lực lượng phản ứng nhanh với thiên tai Ấn Độ đã sử dụng máy xúc và máy cắt để dọn dẹp đống đổ nát. Các quan chức cấp cao của bang, cảnh sát thành phố và thị trưởng Kolkata cũng phối hợp chỉ đạo hoạt động cứu nạn tại hiện trường.
Một cần cẩu 140 tấn cũng được huy động tới hiện trường, nhưng không thể nâng được một tấm bê tông, nơi được cho là có nhiều người bị mắc kẹt bên dưới, bao gồm cả hành khách của một xe buýt nhỏ. Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi đó đang thăm Mỹ, bày tỏ sự bàng hoàng trước vụ tai nạn và gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân.
Tại hiện trường, các khối bê tông lớn và sắt thép nằm ngổn ngang cùng với xe cộ. Dưới chân cầu, lửa bốc lên dữ dội. Các nhân viên cứu hỏa cho biết, có một đám cháy bắt nguồn từ nhiên liệu tràn ra từ các phương tiện giao thông sau vụ sập cầu.
Thủ hiến bang Tây Bengal, bà Mamata Banerjee đã kêu gọi người dân địa phương hỗ trợ cảnh sát và đội quản lý thảm họa trong công tác cứu hộ. Chính quyền bang cũng đã công bố mức hỗ trợ 500.000 rupee (hơn 7.500 USD) cho mỗi gia đình có người thiệt mạng và 200.000 rupee (hơn 3.000 USD) cho những người bị thương nặng.
Điều tra viên sau đó cho biết các công nhân đang hàn cầu đã phát hiện các vết nứt. Tuy nhiên, thay vì cảnh báo người dân, họ đã cố gắng hàn các vết nứt lại với nhau. Ở Ấn Độ, các vụ sập cầu thường xảy ra do việc sử dụng vật liệu kém chất lượng và quy định an toàn lỏng lẻo.
Cầu vượt dài 2,4km này được xây dựng với kỳ vọng giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực Burrabazar, nơi có một trong những khu chợ bán sỉ lớn nhất châu Á. Công trình được khởi công vào ngày 24/2/2009 và dự kiến hoàn thành vào năm 2012. Tuy nhiên, dự án đã gặp khó khăn do vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, khiến tiến độ bị trì hoãn.