Sắp có tuyến đường kết nối đường Rừng Sác với cao tốc hơn 31.000 tỷ đồng
Theo kế hoạch, nút giao kết nối cao tốc hơn 31.000 tỷ đồng với Quốc lộ 50 dự kiến triển khai trong giai đoạn 2024-2027.
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, dự án xây dựng nút giao thông kết nối đường cao tốc Bến Lức - Long Thành  với đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ) hiện đang được chuẩn bị. Dự án này sẽ được thực hiện bằng nguồn ngân sách thành phố.
Công tác chuẩn bị cho dự án bao gồm việc điều tra và thu thập số liệu từ các dự án lân cận như cầu Cần Giờ, đường Rừng Sác và cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và xây dựng mô hình thông tin công trình (BIM). Sở GTVT thành phố sẽ tổ chức thẩm tra và lấy ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan về nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án.
Sau khi hoàn thiện, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ được trình lên cấp có thẩm quyền để xem xét và quyết định chủ trương đầu tư. Dự toán chi phí cho giai đoạn chuẩn bị này là 1.592 tỷ đồng.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM đã giao nhiệm vụ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, cũng như báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho các dự án giao thông trọng điểm, nhằm kết nối hiệu quả với các tuyến cao tốc. Các dự án bao gồm nút giao kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với Quốc lộ 50 và nút giao với đường Rừng Sác, huyện Cần Giờ.
>> Chính phủ duyệt chủ trương đầu tư 4 khu công nghiệp lớn chỉ trong 10 ngày 
Theo kế hoạch, nút giao kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với Quốc lộ 50 dự kiến triển khai trong giai đoạn 2024-2027, còn nút giao với đường Rừng Sác sẽ được thực hiện từ 2024-2030.
Được biết, dự án cao tốc Bến Lức (Long An) - Long Thành (Đồng Nai) có tổng chiều dài 57,8km với vốn đầu tư 31.320 tỷ đồng, bao gồm hơn 25.000 tỷ đồng từ nguồn vốn vay và gần 5.690 tỷ đồng từ vốn đối ứng. Sau khi hoàn thành, tuyến đường này được kỳ vọng sẽ kết nối hiệu quả khu vực Đông Nam Bộ và miền Tây.
Dự án bao gồm 11 gói thầu xây lắp, chia làm ba đoạn: Đoạn 1 phía Tây (gói thầu A1 đến A4) sử dụng vốn vay từ ADB, đoạn 2 (gói thầu J1 đến J3) sử dụng vốn vay JICA và đoạn 3 phía Đông (gói thầu A5 đến A7) tiếp tục sử dụng vốn vay từ ADB.
Công trình khởi công vào năm 2014 và ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Tuy nhiên, trong ba năm qua, do gặp khó khăn về nguồn vốn và chính sách, các gói thầu phải tạm dừng thi công, buộc dự án phải lùi tiến độ đến quý III/2025.
Tuyến cao tốc được thiết kế với mặt đường rộng 24m gồm 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp, theo tiêu chuẩn cao tốc loại A, cho phép tốc độ tối đa lên đến 120km/h.
>> Giữa cơn sốt giá, Hà Nội chào đón dự án chung cư mới với giá từ 135 triệu đồng/m2