Vĩ mô

Sáp nhập còn trên dưới 40 tỉnh, thành không chỉ là tinh gọn trên bản đồ

Hoài Thanh - Trần Tuyên 24/02/2025 16:32

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, các tỉnh có diện tích nhỏ, dân số ít cần phải sáp nhập và con số trên dưới 40 tỉnh, thành là phù hợp; đồng thời việc thực hiện cần làm thực chất, không chỉ là tinh gọn trên bản đồ.

thanh pho vi thanh.jpg
Hậu Giang là 1 trong số 10 tỉnh, TP có dân số ít nhất Việt Nam với 728.293 người (tính đến năm 2023). Trong ảnh: Một góc TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: T.L

Giảm từ 63 xuống còn trên dưới 40 tỉnh, thành

Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ, cách đây 5-6 năm, ông đã có ý kiến việc sáp nhập, hợp nhất một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.

“Tại diễn đàn Quốc hội khóa 14, tôi đã nêu băn khoăn về hợp nhất một số tỉnh, thành trên cả nước đối với các địa phương dân số ít, diện tích nhỏ. Có tỉnh hiện chỉ có hơn 300.000 dân số là quá bé so với các tỉnh, thành có hàng triệu dân”, ông Phạm Văn Hòa chia sẻ với VietNamNet.

Theo ông, thời điểm hiện nay phù hợp để thực hiện chủ trương bỏ cấp huyện và sáp nhập tỉnh.

“Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là cuộc cách mạng rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Chúng ta đang thực hiện tinh giản một số bộ, ngành của trung ương đến các địa phương. Đa số các cán bộ, đảng viên và nhân dân rất đồng tình ủng hộ chủ trương này”, ông Hòa nói và nhấn mạnh, đây là tiền đề quan trọng hướng tới việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, nước ta với dân số khoảng 100 triệu dân, nhưng có đến 63 tỉnh, thành, như thế là rất nhiều.

“Việt Nam chúng ta nhiều lần tách nhập để phát triển, nhưng vẫn chưa triệt để”, ông chia sẻ.

pham van hoa 2745.jpeg
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: QH

Theo ông Hòa, việc hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh là định hướng đúng đắn để bộ máy thống nhất từ Trung ương đến địa phương không có sự cồng kềnh với nhau, mà quản lý nhà nước phân thẩm quyền, trách nhiệm, ủy quyền… cho các nơi một cách minh bạch, công tâm, khách quan, thể hiện quyền lực của địa phương dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Trung ương.

Song, việc sáp nhập các tỉnh, thành cần có đề án khả thi để tổ chức thực hiện.

“Từ nay đến cuối năm cần có phương án thực hiện”, ông Hòa đưa ra ý kiến. Hiện chính quyền từ Trung ương đến địa phương là 4 cấp, địa phương 3 cấp. Vì vậy, cần bỏ trung gian cấp huyện. Ông đưa ra ý kiến, phải giao thẩm quyền cho tỉnh và hợp nhất các xã lại với nhau.

“Hiện các xã của chúng ta vẫn rất manh mún dù sau nhiều lần sáp nhập, có xã chỉ có 2.000 – 3.000 dân, tôi cho là không hợp lý. Thời kỳ 4.0, địa bàn có xa đi nữa thì đường làng thôn xóm đã thuận lợi, hợp nhất các xã lại là phù hợp. Sau đó, giao thẩm quyền cho cấp xã thay vì cấp huyện hiện nay đang quản lý… Thời điểm hiện nay là phù hợp.

Ông Hòa cũng nhấn mạnh “hợp nhất - tinh gọn cấp tỉnh” nhằm giải quyết vấn đề quản lý nhà nước chưa hiệu quả.

Theo ông, việc có quá nhiều tỉnh, thành phố không chỉ khiến cho bộ máy quản lý hành chính của mỗi địa phương trở nên cồng kềnh, mà còn dẫn đến tình trạng phân bổ nguồn lực không hợp lý.

Ông lấy ví dụ, một số tỉnh dù có dân số ít và diện tích nhỏ, nhưng vẫn có hệ thống bộ máy hành chính lớn, gây tốn kém và không mang lại hiệu quả tương xứng.

Ngược lại, một số tỉnh, huyện lại có tiềm năng phát triển lớn, nhưng không được đầu tư đúng mức do thiếu sự phối hợp và hỗ trợ giữa các đơn vị hành chính. Chính vì vậy, việc hợp nhất - tinh gọn các tỉnh sẽ giúp làm giảm bớt tình trạng phân tán nguồn lực, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương trong việc triển khai các chính sách.

“Tôi cho rằng sáp nhập từ 63 xuống còn trên dưới 40 tỉnh, thành là phù hợp”, ông Hòa nói.

Theo ông Phạm Văn Hòa, để thực hiện sáp nhập tỉnh thì cần có tiêu chí cụ thể. Ngoài tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên thì cần tính đến những tiêu chí về văn hóa, lịch sử, an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, vị trí địa chính trị, quy hoạch vùng, quốc gia, văn hóa của cộng đồng dân cư, nhằm đảm bảo sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội trong thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

“Trước đây, chúng ta nhiều lần tách nhập tỉnh, nhưng đã lâu rồi, giờ nhập lại cần đánh giá, xem xét các khía cạnh, tình hình thực tiễn, khách quan về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, quy hoạch vùng…Tôi đề xuất nghiên cứu theo vùng kinh tế như tỉnh công nghiệp, tỉnh nông nghiệp, tỉnh phát triển kinh tế biển, thành phố dịch vụ…

Phân theo từng vùng, từng lĩnh vực, ngành nghề để thuận lợi cho đầu tư”, ông nói

'Làm thực chất, không chỉ là hợp nhất - tinh gọn trên bản đồ'

Ông Đào Chí Nghĩa, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Cần Thơ cho rằng, việc hợp nhất, tinh gọn, sáp nhập bộ máy hành chính nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cần được thực hiện đồng bộ, toàn diện, từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

“Quyết tâm hợp nhất - tinh gọn lần này không chỉ là để gọn nhẹ, mà còn là để mạnh hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, tạo đà cho sự phát triển đồng đều giữa các khu vực, từ đồng bằng đến miền núi, từ nông thôn đến thành thị.

Tuy nhiên, việc này phải tiến hành có lộ trình cụ thể, đảm bảo không gây xáo trộn lớn đến hoạt động của hệ thống chính trị”, ông nói.

16. đào chí nghĩa cần thơ.jpg
Đại biểu Đào Chí Nghĩa. Ảnh: quochoi.vn

Ông Nghĩa phân tích, với số lượng đơn vị hành chính là 63 tỉnh, thành phố như hiện nay dẫn đến tình trạng phân tán nguồn lực, lãng phí ngân sách và gây khó khăn trong việc tạo động lực phát triển kinh tế vùng.

Mỗi tỉnh, thành phố đều có bộ máy hành chính riêng, điều này dẫn đến sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ và lãng phí về nguồn nhân lực, tài chính. Việc phân chia quá nhỏ các đơn vị hành chính cũng gây khó khăn trong việc quy hoạch, đầu tư phát triển các dự án lớn.

Nhận định về ý kiến cần phải hợp nhất, giảm từ 63 tỉnh, thành xuống còn khoảng 35-37 tỉnh, thành phố, ông Nghĩa cho rằng đây là vấn đề lớn, tác động nhiều chiều, đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận.

“Làm thế nào để đất nước phát triển mạnh mẽ khi bộ máy hành chính quá cồng kềnh và manh mún? Đã đến lúc phải mạnh dạn tái cấu trúc, thay đổi để tối ưu hóa nguồn lực và mở ra cơ hội cho một đất nước vươn xa hơn trên bản đồ thế giới”, ông nói.

Ông đưa ra ý kiến, việc hợp nhất một số tỉnh, thành sẽ giúp giảm đáng kể số lượng cán bộ, công chức, tiết kiệm được chi phí vận hành của các cơ quan hành chính địa phương, giảm bớt sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

Điều này sẽ giúp Chính phủ có thể tái phân bổ các nguồn lực để đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng hơn, như giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng, cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội.

Đại biểu Nghĩa phân tích, hãy thử tưởng tượng hàng chục huyện nhỏ lẻ với diện tích hạn chế và dân số ít ỏi sẽ biến mất, hòa mình vào các thành phố lớn hơn, tạo thành những đơn vị hành chính mạnh mẽ hơn. Điều này có thể giúp tạo ra các vùng kinh tế động lực, giảm chi phí hoạt động của bộ máy hành chính, thúc đẩy sự phát triển của cả nước.

“Đây không chỉ là một cuộc hợp nhất - tinh gọn trên bản đồ, mà là một bước chuyển mình đầy táo bạo trong tư duy quản lý nhà nước. Mục tiêu chính là tạo ra một bộ máy tinh gọn, năng động, có khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới”, ông nhấn mạnh.

>>Việt Nam từng có tỉnh Vĩnh Trà tồn tại trong 3 năm, được sáp nhập từ 2 tỉnh hiện nay

Tỉnh mới từng được hình thành sau khi sáp nhập tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh

Sáp nhập tỉnh: Việt Nam còn bao nhiêu tỉnh, thành là phù hợp?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/sap-nhap-con-tren-duoi-40-tinh-thanh-khong-chi-la-tinh-gon-tren-ban-do-2374258.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sáp nhập còn trên dưới 40 tỉnh, thành không chỉ là tinh gọn trên bản đồ
    POWERED BY ONECMS & INTECH