Vĩ mô

Sáp nhập huyện, xã: Giảm ngân sách không phải là mục tiêu cuối cùng

PV 26/10/2023 - 11:55

Ngày 17/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 972/CĐ-TTg về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có những giải pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động, linh hoạt trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, trước mắt là giai đoạn 2023 – 2025, bảo đảm đúng kế hoạch đề ra.

Tiết kiệm là đúng...

Sáp nhập các đơn vị hành chính không đạt chỉ tiêu về diện tích, dân số là một cách làm hiệu quả để tiết kiệm các nguồn lực của xã hội, từ con người đến ngân sách.

Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có quy mô nhỏ là nhằm khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, không khai thác được hết tiềm năng, chia cắt không gian phát triển, đồng thời góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn.

Ngày 30/1/2023, xem xét báo cáo của Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, ý kiến các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị kết luận: Sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng. Quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 đã bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; đã giảm đáng kể số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước.

Trên cả nước đã có 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lại, qua đó 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã, 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã được cắt giảm. Trong số này khối hành chính giảm 752 cơ quan; khối đoàn thể giảm 2.856 cơ quan; khối cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương giảm 73 cơ quan; khối đơn vị sự nghiệp giảm 185 đơn vị.

Có 361 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.657 cán bộ, công chức cấp xã được tinh giảm biên chế; việc chi ngân sách nhà nước giảm khoảng 2.008 tỷ đồng.

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã lại được đặt ra như một cách tinh giản bộ máy, biên chế, tiết kiệm ngân sách.

Trong giai đoạn 2023 – 2025, theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp gồm các đơn vị đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn.

Trong giai đoạn 2026 - 2030 các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp gồm đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong giai đoạn 2023-2025 sẽ có 33 đơn vị hành chính cấp huyện và khoảng 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp lại. Dự kiến, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là khoảng 2.500 người, cấp xã là khoảng 27.900 người, còn số cán bộ không chuyên trách dôi dư ở cấp xã là khoảng 16.000 người..

Nhưng chính yếu là vì người dân

Theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp lại đơn vị hành chính thì việc sáp nhập một số huyện, xã là để tạo không gian phát triển mới với tư duy mới, tạo giá trị mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tăng cường liên kết vùng, tạo thuận lợi phát huy nguồn lực đất đai, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao quản lý nhà nước.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn tạo ra sự cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, lãnh thổ, hạn chế tình trạng chia cắt, manh mún, nhất là trong bối cảnh Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Trong giai đoạn 2019 – 2021 việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở cấp huyện, cấp xã sau khi sắp xếp lại đều được kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân, không phát sinh khiếu nại, tố cáo, trật tự xã hội được bảo đảm.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 diễn ra ngày 31/7/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân là mục tiêu cuối cùng. Sắp xếp đơn vị hành chính là việc khó, phức tạp, phải thực hiện trong thời gian ngắn,nguồn lực có hạn, có tính nhạy cảm, phức tạp, tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; tác động đến tư tưởng, tâm lý của nhân dân, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Vì vậy, tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch, đúng quy định, không dàn trải; không cầu toàn, không nóng vội; bảo đảm ổn định hệ thống chính trị, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong quá trình sắp xếp.

Đồng quan điểm, tại cuộc tiếp xúc cử tri ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) ngày 4/7/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã không phải là cơ học. Mục tiêu tối thượng vẫn là phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, làm sao để thuận lợi nhất, hiệu quả nhất.

Chủ tịch Quốc hội phân tích: Có hai tiêu chí chính để sắp xếp là quy mô dân số và diện tích, nếu đơn vị nào không đáp ứng về quy mô dân số và diện tích thì sẽ sắp xếp lại.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 37 và Kết luận số 48 của Bộ Chính trị cũng đều nhấn mạnh không được làm cơ học cứng nhắc. Dựa vào hai tiêu chí cơ bản để xem xét, nhưng việc sắp xếp cụ thể phải căn cứ vào hoàn cảnh địa lý, lịch sử, văn hoá, truyền thống, dân tộc, tôn giáo và cả những yêu cầu về phát triển, được cấp ủy chính quyền địa phương quyết định, các tỉnh, thành phố phải có đề án chứ Trung ương không làm thay.

Có những đơn vị bắt buộc phải sắp xếp, nhưng do yếu tố khách quan, chủ quan có thể chưa sắp xếp ngay. Lại có những đơn vị không thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp nhưng Trung ương khuyến khích rằng nếu thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu phát triển thì cũng nên sắp xếp lại.

Chủ tịch Vương Đình Huệ nêu ví dụ: Tại một số xã biên giới, vùng cao, hải đảo, nông thôn các điểm trường cách rất xa nhau, nếu hai xã sáp nhập thì các điểm trường của hai xã này có nhất thiết phải ghép lại với nhau không? Nếu thuận tiện thì có thể sáp nhập nhưng nếu không thuận tiện, chưa thể sáp nhập được trong một giai đoạn nhất định thì đây là vấn đề hoàn toàn do địa phương quyết định, Trung ương không yêu cầu sáp nhập một cách cơ học, máy móc vì phải bảo đảm yêu cầu dạy và học cho địa phương. Về trụ sở các đơn vị hành chính cấp huyện, xã sau sắp xếp cũng tương tự như vậy.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ cần luôn luôn lưu tâm đến việc tránh tình trạng nảy sinh bất cập, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống nhân dân sau khi sáp nhập huyện, xã. Đặc biệt là đối với các đơn vị hành chính cấp huyện tại những tỉnh miền núi với diện tích lớn nhưng dân số lại ít, hay những đơn vị hành chính đô thị diện tích nhỏ nhưng dân số đông.

Cần có tính toán kỹ lưỡng để vừa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, vừa đảm bảo được khả năng tiếp cận và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về y tế, giáo dục, các dịch vụ hành chính công khác. Như vậy, hiệu quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là đo lường việc cắt giảm được bao nhiêu đơn vị hành chính, tinh giản được bao nhiêu biên chế. Điều quan trọng nhất là hiệu quả thực chất của bộ máy chính quyền, chất lượng các dịch vụ công mà người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng và sự phát triển kinh tế - xã hội trên các địa bàn được sắp xếp.

Ủng hộ quan điểm sắp xếp đơn vị hành chính là vì để phục vụ người dân được tốt hơn, ông Nguyễn Ánh Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), nêu ý kiến: Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính mới chỉ là bước đầu. Điều quan trọng là sau khi sắp xếp thì đơn vị hành chính mới được hình thành phải sớm ổn định và phát triển. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cũng đã yêu cầu khi các địa phương xây dựng đề án sáp nhập thì phải xác định các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài đối với các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp.

Đây cũng là cơ hội để các địa phương tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng công vụ, công chức, hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Về việc đặt lợi ích người dân lên hàng đầu, nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (khóa XIII) cho rằng với một số vùng có đặc điểm riêng, cần nghiên cứu cơ chế chính sách. Rất cần sự hỗ trợ đặc thù tại vùng núi diện tích rộng, dân số ít nhưng địa hình rất khó khăn, như đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều chỉnh một số tiêu chuẩn.

Song, quan trọng nhất là chuyện lựa chọn cán bộ. Bởi đơn vị hành chính sau sáp nhập chắc chắn có diện tích rộng, dân số lớn hơn, địa hình có thể phức tạp hơn, nên việc trao trách nhiệm và chọn người đứng đầu nhất là chủ tịch cấp xã, huyện đó rất quan trọng, sao cho bộ máy chuẩn, gắn bó với dân, phát huy được thế mạnh địa phương. Nếu người dân không có việc làm ổn định sẽ sinh ra nhiều hộ nghèo, các vấn đề an sinh xã hội.

Về tiêu chí đảm bảo sự tiện lợi của người dân khi sáp nhập các huyện, xã, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị; Trong các giai đoạn sau này cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp xử lý, sắp xếp cả đối với những đơn vị cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số quá lớn, gấp rất nhiều lần so với tiêu chuẩn quy định, nhằm bảo đảm yêu cầu về quản lý nhà nước, phù hợp với năng lực của bộ máy chính quyền và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Để đảm bảo mục đích cuối cùng của việc sắp xếp các đơn vị hành chính là vì lợi ích của người dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đề xuất: Cần có lộ trình rất cụ thể và cân nhắc nhiều yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán… chứ không chỉ căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên. Sáp nhập hai xã lại là cả câu chuyện không đơn giản. Muốn làm được, quan trọng trước tiên phải có lòng dân đồng thuận cao, không thể chính quyền áp đặt. Trước hết, phải tuyên truyền, vận động rất nhiều để người dân hiểu, thấy phù hợp. Đưa ra định hướng nhưng phải có cách làm đúng, có lý, có tình thì mới thành công./.

Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025

‘Chốt’ mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu năm 2025

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/sap-nhap-huyen-xa-giam-ngan-sach-khong-phai-la-muc-tieu-cuoi-cung-post139613.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sáp nhập huyện, xã: Giảm ngân sách không phải là mục tiêu cuối cùng
    POWERED BY ONECMS & INTECH