Sắp ‘quét sạch’ các video review phim trái phép trên TikTok?
TikTok Việt Nam sẽ xử lý các video tóm tắt phim trong 48 tiếng sau khi nhận được báo cáo vi phạm bản quyền.
TikTok Việt Nam ghi nhận tình trạng video tóm tắt, tổng hợp nội dung phim đang xuất hiện phổ biến, đặc biệt với các tác phẩm gây chú ý trên mạng xã hội.
Đại diện nền tảng này, ông Nguyễn Lâm Thanh cho biết, TikTok hiện đang hợp tác chính thức với phần lớn nhà sản xuất phim trong nước để quảng bá các bộ phim mới. Tuy nhiên, bên cạnh nội dung giới thiệu chính thức, nhiều người dùng cá nhân vẫn tự ý cắt ghép, tiết lộ tình tiết hoặc tóm tắt toàn bộ nội dung phim và chia sẻ rộng rãi.

Theo TikTok, hiện nền tảng áp dụng hai hình thức quản lý nội dung âm thanh. Một là kho âm thanh thương mại đã được mua bản quyền; hai là các âm thanh do người dùng tự tải lên, với trách nhiệm thuộc về cá nhân đăng tải. Người dùng có thể báo cáo nội dung nghi ngờ vi phạm thông qua tính năng “report”, sau đó hệ thống sẽ tiếp nhận và chuyển cho bộ phận kiểm duyệt đánh giá. TikTok cam kết xử lý nội dung vi phạm bản quyền trong vòng 48 giờ sau khi nhận được báo cáo chính thức.
Theo quy định hiện hành, các video vi phạm bản quyền chỉ bị xử lý khi có yêu cầu từ phía chủ sở hữu nội dung. Các nền tảng như TikTok không được tự ý gỡ bỏ nội dung nếu chưa có khiếu nại hợp lệ. Để hỗ trợ việc kiểm duyệt, ngoài công cụ kỹ thuật, TikTok còn có đội ngũ nhân sự Việt Nam chuyên trách đánh giá các trường hợp phức tạp, đảm bảo tuân thủ văn hóa và pháp luật trong nước.

Tại sự kiện chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới diễn ra tại Hà Nội ngày 25/4 vừa qua, ông Lê Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho rằng trong thời đại số, việc sao chép và khai thác trái phép các sản phẩm âm nhạc, phim ảnh trên nền tảng số diễn ra rất dễ dàng. Theo cơ quan này, điều đó đòi hỏi hệ thống sở hữu trí tuệ phải hiệu quả và phù hợp hơn để kịp thời ngăn chặn vi phạm.
Cục Sở hữu trí tuệ cũng đang phối hợp cùng các Bộ, ngành nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và viện nghiên cứu trong việc bảo hộ và thương mại hóa tài sản trí tuệ. Việc hoàn thiện cơ chế chính sách và đẩy mạnh giáo dục về quyền sở hữu trí tuệ đang được xác định là trụ cột quan trọng trong chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia.
Hiện trạng ngày càng “biến tướng” của review phim
Review phim vốn dĩ là việc ghi lại cảm nhận hoặc trải nghiệm cá nhân của người xem đối với một bộ phim. Tuy nhiên, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, ngày càng xuất hiện tràn lan những video mang danh review nhưng thực chất là tóm tắt nội dung phim, sử dụng hình ảnh cắt ghép từ phim gốc kèm giọng thuyết minh AI. Từ các tác phẩm điện ảnh kéo dài hơn 120 phút đến phim truyền hình nhiều tập, nội dung đều bị nén lại chỉ trong 5 đến 20 phút, đánh mất chiều sâu và giá trị nghệ thuật của bản gốc.
Sự biến tướng này không chỉ bóp méo bản chất của hoạt động review phim mà còn vô tình tiếp tay cho hành vi xâm phạm bản quyền. Nhiều kênh YouTube như Queen Movies, Vua phim review, Vương quốc phim review… đang thu hút hàng triệu lượt xem bằng hình thức recap trá hình.

Dù chỉ sử dụng giọng thuyết minh đơn điệu từ trí tuệ nhân tạo, các video này vẫn dễ dàng thu hút sự chú ý nhờ tiêu đề giật gân, khai thác những tình huống nghịch lý hoặc cao trào, từ đó dựng nên một bản tóm tắt dễ gây hiểu lầm về nội dung phim.
Thay vì khơi gợi giá trị nghệ thuật, các kênh recap thường chọn chi tiết kịch tính để dẫn dắt người xem, chẳng hạn như: “Tù nhân có siêu IQ 300 lên kế hoạch suốt 10 năm để báo thù”, “Khi cảnh sát chỉ là con rối với tên sát nhân có IQ 300”, “Anh chàng bất ngờ có siêu năng lực ra tay trừng kẻ ác”...
Thuật toán của mạng xã hội càng góp phần đẩy mạnh sự lan truyền của các video này, khiến người xem dù chỉ tò mò ban đầu cũng nhanh chóng bị cuốn vào chuỗi nội dung tương tự, làm gián đoạn trải nghiệm khi thưởng thức các video khác.
Việc núp bóng review phim để recap không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà sản xuất phim cũng như trải nghiệm chân thực của khán giả. Những video kiểu này dễ dàng tiết lộ các tình tiết quan trọng, xuyên tạc nội dung gốc và làm méo mó cảm nhận của người xem về bộ phim. Đồng thời, chúng khiến công chúng không còn cơ hội thưởng thức tác phẩm một cách trọn vẹn và chân thực.
Hiện tượng review phim trá hình đang góp phần làm mai một tư duy thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Với tính chất giải trí “mì ăn liền”, các video này đánh trúng thị hiếu của một bộ phận khán giả ưa sự nhanh gọn, thích được “tóm tắt thay vì cảm nhận”...
Từ 1/1/2023 Luật sở hữu trí tuệ 2022 đã có quy định về hành vi review phim cắt xén, sửa đổi, xuyên tạc nội dung phim dưới bất kỳ hình thức nào không có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu có quyền tác giả gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Theo khoản 7, 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, trong số các hành vi xâm phạm quyền tác giả có hành vi:
Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.
Như vậy, ngoại trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị, thì việc làm tác phẩm phái sinh nào cũng phải được sự cho phép của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm gốc
Ngoài ra, việc review phim không thuộc các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao và cũng không thuộc các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo quy định.
Do đó, có thể kết luận, review phim mà tiết lộ toàn bộ hoặc từng phần nội dung phim đang có là hình thức xâm phạm bản quyền tác phẩm, quyền chủ sở hữu tác phẩm. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức làm review phim có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định.
>> Khi lời chúc hóa... phiền toái: Starbucks bị 'ném đá' vì sáng tạo quá đà