Bất động sản

Sắp tới, TP. HCM sẽ chi gần 21.000 tỷ nâng cấp đường kết nối với tỉnh giàu nhất Việt Nam

Hải Đăng 09/04/2025 20:17

Dự kiến, TP. HCM sẽ triển khai xây dựng dự án mở rộng Quốc lộ 13 lên 60m, xây đường trên cao với 4 làn xe, kết nối với tỉnh giàu nhất Việt Nam vào tháng 7/2026.

Thông tin mới nhất trên báo Lao Động cho biết, Sở Giao thông Công chánh TP. HCM vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. HCM kế hoạch về việc triển khai thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Tuyến Quốc lộ 13 được xem là trục giao thông chính nằm ở cửa ngõ Đông Bắc, nối TP. HCM với các tỉnh như Bình Dương , Bình Phước và khu vực Tây Nguyên.

Với hiện trạng mặt đường chỉ rộng 19-27m, tuyến quốc lộ này thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc vào những giờ cao điểm, ngày nghỉ lễ, Tết; ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. HCM cũng như khu vực lân cận.

>> Vành đai huyết mạch hơn 122.000 tỷ kết nối 'tam vùng' và sân bay lớn nhất Việt Nam sắp đón tin vui lớn

Sắp tới, TP. HCM sẽ chi gần 21.000 tỷ nâng cấp đường kết nối với tỉnh giàu nhất Việt Nam- Ảnh 1.
Đoạn tuyến Quốc lộ 13 sẽ được TP. HCM đầu tư nâng cấp. Ảnh: Báo Dân trí

Cách đây 20 năm, TP. HCM cũng đã từng lên kế hoạch mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước) nhưng chưa triển khai do gặp vướng mắc về vốn cũng như cơ chế.

Đến tháng 2/2025, HĐND TP. HCM đã thông qua chủ trương đầu tư dự án này theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.

Theo đề xuất của dự án, tuyến quốc lộ với chiều dài 6,3km đi qua TP. Thủ Đức (từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình) sẽ được mở rộng mặt đường lên 60m với quy mô 10 làn xe.

Trên tuyến này cũng sẽ xây dựng 3,2km đường trên cao (cầu cạn), đoạn từ nút giao Bình Triệu đến nút giao Bình Phước, tốc độ thiết kế tối đa 80km/h.

Theo thiết kế, bên dưới là đường song hành mỗi bên rộng 3 làn xe, cho phép tốc độ lưu thông tối đa 60km/h.

Dự án này sẽ bao gồm 2 thành phần chính, trong đó dự án thành phần 1 liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn TP. Thủ Đức.

Theo kế hoạch triển khai, báo cáo nghiên cứu khả thi cho giai đoạn này sẽ được hoàn thiện trong tháng 6/2025. Quá trình bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự kiến kết thúc vào tháng 2/2026.

Dựa trên kết quả rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, dự án cần thu hồi khoảng 39,54ha đất, ảnh hưởng đến 1.091 hộ dân. Trong đó, 238 hộ sẽ phải di dời toàn bộ, số còn lại (853 hộ) chỉ bị ảnh hưởng một phần.

Sắp tới, TP. HCM sẽ chi gần 21.000 tỷ nâng cấp đường kết nối với tỉnh giàu nhất Việt Nam- Ảnh 2.
Tuyến quốc lộ với chiều dài 6,3km đi qua TP. Thủ Đức (từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình) sẽ được mở rộng mặt đường lên 60m với quy mô 10 làn xe. Ảnh: Báo Giao Thông

Giai đoạn 2 của dự án tập trung vào việc cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 theo hình thức đối tác công – tư (BOT). Hồ sơ nghiên cứu khả thi cho phần việc này sẽ được tổ chức lập, thẩm định và trình phê duyệt trong quý III/2025.

Theo báo Dân trí, TP. HCM dự kiến tiến hành lựa chọn nhà đầu tư và ký hợp đồng triển khai dự án trong quý I/2026. Công trình sẽ chính thức khởi công vào tháng 7/2026, với mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2028.

Tổng mức đầu tư ước đạt 20.900 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP. HCM dự chi hơn 14.619 tỷ đồng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Khoản còn lại, khoảng 6.281 tỷ đồng, sẽ do nhà đầu tư huy động từ các nguồn vốn hợp pháp.

Dự án thành phần 2 là nâng cấp, mở rộng đường theo hợp đồng BOT với báo cáo nghiên cứu khả thi dự kiến sẽ hoàn tất vào quý III năm nay.

Việc lựa chọn nhà đầu tư và ký hợp đồng sẽ diễn ra trong quý I/2026, khởi công vào tháng 7/2026 và hoàn thành vào năm 2028.

Sở Giao thông công chánh kiến nghị UBND TP. HCM sớm ban hành kế hoạch triển khai để các bên liên quan phối hợp, thực hiện hiệu quả và đảm bảo tiến độ của dự án.

Theo báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng là những địa phương khác nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Bình Dương đạt 520.205 tỷ đồng nhờ lợi thế từ hệ thống khu công nghiệp hiện đại, thu hút nhiều dự án công nghệ cao.

Hàng loạt chủ xe biển Hà Nội nhanh chóng đến nộp phạt nguội theo quy định

Hưng Yên vừa vượt Thái Bình ở một chỉ số quan trọng

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/sap-toi-tp-hcm-se-chi-gan-21000-ty-nang-cap-duong-ket-noi-voi-tinh-giau-nhat-viet-nam-202250409104701833.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sắp tới, TP. HCM sẽ chi gần 21.000 tỷ nâng cấp đường kết nối với tỉnh giàu nhất Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH