Sau gần 20 năm, TP. HCM vẫn chưa thể thu hồi hơn 1.200 tỷ đồng tiền tạm ứng xây 3 dự án
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà Nước TP. HCM, thành phố hiện có 125 dự án với số dư tạm ứng ngân sách quá hạn lên tới khoảng 1.666 tỷ đồng.
Mới đây, Kho bạc Nhà nước TP. HCM đã gửi báo cáo lên Sở Tài chính thành phố về tình hình tạm ứng và thu hồi vốn đầu tư công trên địa bàn.
Theo báo cáo, thành phố hiện có 125 dự án  với số dư tạm ứng ngân sách quá hạn lên tới khoảng 1.666 tỷ đồng. Đáng chú ý, ba dự án trong số này đã kéo dài gần 20 năm với tổng số vốn 1.215 tỷ đồng, chiếm 72% tổng số dư tạm ứng quá hạn.
Cụ thể, dự án xây dựng đường Lê Thánh Tôn nối dài (hiện nay là đường Nguyễn Hữu Cảnh) do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Thanh niên Xung phong làm chủ đầu tư có số dư tạm ứng vượt mức 463 tỷ đồng so với tổng vốn đầu tư. Dự án khởi công vào tháng 5/1997 và hoàn thành vào năm 2002.
Dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm  (trước đây là cầu Thủ Thiêm 1) do Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông TP. HCM làm chủ đầu tư, có số dư tạm ứng vượt mức 118 tỷ đồng. Công trình này được khởi công vào năm 2005 và đã đi vào khai thác từ năm 2008, với tổng chiều dài hơn 1,2km, gồm 6 làn xe và tổng kinh phí đầu tư vượt quá 1.000 tỷ đồng.
Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư - Khu Công nghệ cao tại quận 9 cũ (nay thuộc TP. Thủ Đức) do Ban Quản lý Các Dự án Đầu tư - Xây dựng Khu Công nghệ cao TP. HCM làm chủ đầu tư, có số dư tạm ứng vượt mức 634 tỷ đồng. Dự án này được triển khai từ năm 2004 và đến nay đã kéo dài đúng 20 năm.
>> Loạt khách sạn 'đất vàng' tại TP. HCM gặp khó, kinh doanh thua lỗ 
Theo Kho bạc Nhà nước TP. HCM cho biết, việc tạm ứng vốn các dự án này được thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố. Mặc dù vậy, việc này đã kéo dài quá lâu và đến nay vẫn chưa có biện pháp thu hồi hiệu quả.
Để giải quyết tình trạng này, Kho bạc Nhà nước TP. HCM đề nghị các chủ đầu tư nhanh chóng đưa ra giải pháp xử lý số dư tạm ứng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đối với ba dự án có số dư quá hạn lớn.
Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước TP. HCM cũng kiến nghị UBND thành phố tham mưu cho Chính phủ phê duyệt quyết toán các chi phí hợp lý, hợp pháp đã thực hiện trong các dự án hoàn thành.
Đối với số tiền còn lại đã tạm ứng nhưng chưa sử dụng, Kho bạc đề xuất giữ lại trên tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư (trong trường hợp người dân không chấp nhận nhận tiền), đồng thời giao cho chủ đầu tư tiếp tục theo dõi và vận động chi trả để không ảnh hưởng đến tiến độ quyết toán dự án.
Kho bạc Nhà nước TP. HCM cũng kiến nghị Sở Tài chính tham mưu Bộ Tài chính ban hành các biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý và kiểm điểm các chủ đầu tư, ban quản lý đã để số vốn tạm ứng quá hạn kéo dài.