Doanh nghiệp A-Z

Sau Hòa Phát (HPG), một doanh nghiệp tôn mạ nắm giữ ‘tấm khiên’ trước làn sóng siết tiêu chuẩn từ châu Âu

Thu Huyền 10/04/2025 - 16:54

Từ kiểm kê khí nhà kính đến truy vết carbon, doanh nghiệp Việt đang thay đổi tư duy sản xuất để bắt kịp sân chơi toàn cầu – nơi mỗi tấn thép sẽ phải “gánh” thêm trách nhiệm môi trường.

Doanh nghiệp thép Việt Nam trước áp lực từ CBAM

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức triển khai cơ chế đánh thuế carbon xuyên biên giới nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững.

Cơ chế này được biết đến với tên gọi “Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon” (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM ), dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, sau giai đoạn thử nghiệm từ năm 2023 đến 2025. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu sẽ phải trả thuế carbon nếu hàng hóa của họ có lượng phát thải carbon vượt quá mức tiêu chuẩn của EU.

Sau Hòa Phát (HPG), một doanh nghiệp tôn mạ nắm giữ ‘tấm khiên’ trước làn sóng siết tiêu chuẩn từ châu Âu
Lộ trình áp dụng CBAM (Ảnh: Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh)

Sắt thép là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp từ cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới của EU. Sau khi được vận hành chính thức từ năm 2026, doanh nghiệp thép sẽ phải mua 1 chứng chỉ CBAM cho mỗi tấn CO₂ tương đương có trong sản phẩm nhập khẩu vào EU, dựa trên hạn ngạch miễn phí ETS và phần trăm CBAM. Đến năm 2034, cơ chế CBAM sẽ có hiệu lực hoàn toàn và các doanh nghiệp thép sẽ phải nộp 100% phí.

Theo Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, EU là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của ngành thép Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 11,8 triệu tấn thép, tương đương khoảng 8,9 tỷ USD; trong đó, có khoảng 27% xuất khẩu sang thị trường EU. Theo ước tính của các chuyên gia, giá giấy phép carbon chiếm khoảng 5 – 10% tổng chi phí sản xuất thép và tỷ lệ này còn cao hơn đối với sản xuất xi măng.

Theo nhận định, nếu các doanh nghiệp thép Việt Nam không ứng phó tốt với CBAM, xuất khẩu sang EU sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có nguy cơ mất thêm nhiều thị trường khác, khi các quốc gia này đang xem xét áp dụng các quy định tương tự như CBAM.

Tôn Đông Á tăng tốc chuẩn bị đối phó, Hòa Phát âm thầm phát triển trong 4 năm

Tháng 2/2025, tại nhà máy Tôn Đông Á (Khu công nghiệp Đồng An 2, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã diễn ra lễ trao chứng nhận ISO 14064-1:2018 về kiểm kê khí nhà kính tại doanh nghiệp.

Tiêu chuẩn ISO 14064-1 là một phần quan trọng trong Hệ thống Tiêu chuẩn ISO 14000 về quản lý môi trường, do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) ban hành. Tiêu chuẩn này quy định các nguyên tắc và yêu cầu đối với việc đo lường, giám sát, báo cáo và xác minh lượng khí nhà kính của tổ chức, doanh nghiệp. Việc áp dụng ISO 14064-1 giúp doanh nghiệp tuân thủ các chương trình báo cáo khí thải bắt buộc, đồng thời tạo điều kiện để tiếp cận thị trường carbon trong tương lai.

Sau Hòa Phát (HPG), một doanh nghiệp tôn mạ nắm giữ ‘tấm khiên’ trước làn sóng siết tiêu chuẩn từ châu Âu
Tôn Đông Á nhận chứng nhận tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 (Ảnh: GDA)

Nhận thức rõ vai trò của kiểm kê khí nhà kính trong chiến lược phát triển bền vững, Tôn Đông Á đã chủ động thu thập và cung cấp dữ liệu hoạt động, phục vụ kiểm kê khí nhà kính năm 2024. Điều này không chỉ giúp công ty đánh giá chính xác lượng phát thải, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất mà còn tiến tới truy vết carbon trên từng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường trong nước và quốc tế.

Trước đó, vào tháng 12/2024, công ty đã đạt chứng nhận ISO 14067:2018 về đánh giá vết carbon của sản phẩm, giúp xác định chính xác lượng khí thải trên từng sản phẩm và xây dựng chiến lược giảm phát thải phù hợp.

Việc đạt được 2 chứng nhận quan trọng này giúp công ty tăng thêm lợi thế cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu của thị trường châu Âu theo cơ chế CBAM, có hiệu lực từ tháng 10/2023.

Mới đây, Tôn Đông Á tiếp tục nhận thêm chứng nhận JIS do Nhật Bản thiết lập và được cấp bởi các tổ chức chứng nhận uy tín của nước này. Tiêu chuẩn JIS đảm bảo sản phẩm đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, độ bền và quy trình sản xuất.

Không chỉ là một giấy chứng nhận, JIS còn được xem như “tấm hộ chiếu” giúp sản phẩm thâm nhập sâu hơn vào các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Úc và ASEAN, khẳng định vị thế của một thương hiệu Việt vươn mình cạnh tranh sòng phẳng với các nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới.

Trước Tôn Đông Á, năm 2024, CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất đã được BSI – Tổ chức Chứng nhận Quốc tế hàng đầu của Vương quốc Anh xác nhận hoàn thành Báo cáo Kiểm kê khí nhà kính cho doanh nghiệp theo yêu cầu của Tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018. Đây là một trong những chương trình mà doanh nghiệp sản xuất thép phải triển khai, làm tiền đề đáp ứng các yêu cầu khác khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới, nhất là khu vực EU.

Sau Hòa Phát (HPG), một doanh nghiệp tôn mạ nắm giữ ‘tấm khiên’ trước làn sóng siết tiêu chuẩn từ châu Âu
Ông Lê Duyên Anh – Tổng Giám đốc BSI Việt Nam trao giấy cho ông Hồ Đức Thọ – Phó Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất (bên phải) (Ảnh: Hòa Phát)

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) – ông Trần Đình Long từng tiết lộ công ty đang nghiên cứu làm "thép xanh" thân thiện với môi trường.

Ông Trần Đình Long chia sẻ, lý do Hòa Phát muốn làm thép xanh là vì đây là xu hướng chung của thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu, Mỹ, G7 cũng đang phát triển thép xanh theo nhiều phương pháp khác nhau.

Hòa Phát đã áp dụng công nghệ sản xuất tuần hoàn khép kín vào sản xuất tại tất cả các khu liên hợp sản xuất gang thép. Doanh nghiệp đã tính toán kỹ lưỡng và dành tới 30% vốn đầu tư cho các hạng mục môi trường.

Các khu liên hợp sản xuất gang thép của doanh nghiệp tại Hải Dương và Dung Quất đều áp dụng hàng loạt các giải pháp và ứng dụng công nghệ mới nhất để tối ưu sản xuất cũng như tiết kiệm năng lượng.

Với mục tiêu trở thành một trong những tập đoàn sản xuất thép hàng đầu khu vực, Hòa Phát đã và đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và ứng dụng công nghệ thép xanh. Dung Quất 2 – một dự án chiến lược của tập đoàn – sẽ nâng cao công suất sản xuất thép xanh, tiếp tục khẳng định cam kết của Hòa Phát trong việc giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

>> Đoàn công tác Trung ương khảo sát thực địa siêu tổ hợp 5 tỷ USD của Hòa Phát (HPG) tại Phú Yên

Hoa hậu Mai Phương Thúy vừa 'bắt đáy' cổ phiếu Hòa Phát (HPG)

Ôm 49.600 tỷ đồng lợi nhuận chưa chia, Hòa Phát (HPG) đánh cược vào nhà máy thép ray đầu tiên 'làm nên lịch sử' ngành đường sắt?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sau-hoa-phat-hpg-mot-doanh-nghiep-ton-ma-nam-giu-tam-khien-truoc-lan-song-siet-tieu-chuan-tu-chau-au-286306.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sau Hòa Phát (HPG), một doanh nghiệp tôn mạ nắm giữ ‘tấm khiên’ trước làn sóng siết tiêu chuẩn từ châu Âu
    POWERED BY ONECMS & INTECH