Xã hội

Sau sáp nhập, đây không chỉ là trung tâm kinh tế miền Trung mà có thể là địa phương đầu tiên của nước ta có 2 sân bay quốc tế

Mai Hương 04/05/2025 10:27

Đây không chỉ mở ra cơ hội phát triển hạ tầng hàng không mà còn đóng góp trực tiếp vào du lịch và thương mại của địa phương nói riêng, khu vực miền Trung nói chung.

Nếu đề án sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam được thực hiện, khu vực này sẽ không chỉ giữ vai trò trung tâm kinh tế - du lịch miền Trung, mà còn có thể trở thành địa phương đầu tiên tại Việt Nam sở hữu hai cảng hàng không quốc tế.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang có hai sân bay dân dụng là Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Cảng hàng không Chu Lai. Trong đó, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là một trong ba sân bay lớn nhất cả nước, cùng với Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Sau sáp nhập, đây không chỉ là trung tâm kinh tế miền Trung mà có thể là địa phương đầu tiên của nước ta có 2 sân bay quốc tế - ảnh 1
Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng có vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng hiện đại và kết nối trực tiếp với nhiều trung tâm quốc tế như Singapore, Bangkok, Tokyo, Seoul… Mỗi năm, sân bay này đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế, là cửa ngõ hàng không quan trọng thúc đẩy du lịch và thương mại của khu vực miền Trung .

Trong khi đó, Cảng hàng không Chu Lai, tọa lạc tại tỉnh Quảng Nam, đang được định hướng nâng cấp thành sân bay quốc tế theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Được biết tỉnh đang hoàn thiện thủ tục để kêu gọi đầu tư, nâng cấp Chu Lai thành cảng hàng không quốc tế, hình thành hệ sinh thái kinh tế và đô thị sân bay. Cuối năm 2022, UBND tỉnh đã trình đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không Chu Lai. Dự án đề xuất xây dựng đường cất hạ cánh mới, hệ thống nhà ga hiện đại.

Sau sáp nhập, đây không chỉ là trung tâm kinh tế miền Trung mà có thể là địa phương đầu tiên của nước ta có 2 sân bay quốc tế - ảnh 2
Cảng hàng không Chu Lai

Theo đề án trình Chính phủ, sân bay Chu Lai sẽ có thêm một đường băng kích thước 3.048 x 45 m, hệ thống đường lăn, sân đỗ từ 32 đến 40 vị trí, nhà ga hành khách hiện đại đáp ứng 10 triệu khách mỗi năm và nhà ga hàng hóa công suất 1,5 triệu tấn/năm.

Tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án khoảng 11.000 tỷ đồng, trong đó khu bay 3.500 tỷ, sân đỗ 1.000 tỷ và khu hàng không dân dụng 6.500 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).

Hiện tại, sân bay Chu Lai có công suất khoảng 1,2 triệu hành khách/năm. Theo quy hoạch, đến năm 2030, cảng hàng không này sẽ nâng công suất lên 10 triệu lượt khách, đủ điều kiện tiếp nhận các dòng máy bay thân rộng như Boeing 747-8 và Airbus A380.

Một số tỉnh, thành khác hiện cũng có hai sân bay dân dụng như TP. HCM (Tân Sơn Nhất và Côn Đảo), Đắk Lắk (Buôn Ma Thuột và Tuy Hòa), An Giang (Phú Quốc và Rạch Giá), Gia Lai (Phù Cát và Pleiku). Tuy nhiên, hầu hết các sân bay thứ hai ở những địa phương này đều quy mô nhỏ, chỉ phục vụ nội địa và chưa có kế hoạch nâng cấp lên quốc tế trong tương lai gần.

>> Đưa vào vận hành tuyến cáp treo mới tới khu du lịch được ví như “Disneyland” của Việt Nam

Sau sáp nhập Quảng Nam - Đà Nẵng: Hơn 4.200 trụ sở, 760 xe công sắp xếp thế nào?

Vùng đất sẽ trở thành thủ phủ mới của Đà Nẵng và Quảng Nam sau sáp nhập: Quận đáng sống trong lòng TP đáng sống, sở hữu cầu Rồng thép 9.000 tấn ấn tượng nhất thế giới

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/sau-sap-nhap-day-khong-chi-la-trung-tam-kinh-te-mien-trung-ma-co-the-la-dia-phuong-dau-tien-cua-nuoc-ta-co-2-san-bay-quoc-te-141648.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sau sáp nhập, đây không chỉ là trung tâm kinh tế miền Trung mà có thể là địa phương đầu tiên của nước ta có 2 sân bay quốc tế
    POWERED BY ONECMS & INTECH