Sau sáp nhập, tỉnh giàu có của Việt Nam sẽ sở hữu 'siêu phường' với gần 200.000 dân
Với quy mô dân số hơn 197.000 người, Trấn Biên được xem là "siêu phường" lớn nhất tỉnh Đồng Nai sau khi sáp nhập đơn vị hành chính.
Hôm nay ngày 23/4, tỉnh Đồng Nai bắt đầu triển khai lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời sáp nhập tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.
Theo như đề xuất của tỉnh, Đồng Nai hiện có tổng cộng 159 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn.
Dù vậy, sau khi sắp xếp lại theo hướng tinh giản bộ máy, dự kiến địa phương sẽ giảm chỉ còn 55 đơn vị.
Công tác lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đang được triển khai đồng bộ tại toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Người dân không chỉ được phát phiếu để tham gia ý kiến, mà còn được thông tin đầy đủ, rõ ràng về nội dung đề xuất sáp nhập, phạm vi điều chỉnh địa giới và tác động cụ thể tại từng địa phương.

Tại TP. Biên Hòa là đô thị loại I với quy mô dân số hơn 1 triệu người, phương án sắp xếp sẽ tinh giản từ 25 xuống còn 9 đơn vị hành chính, dự kiến giữ lại các tên: Biên Hòa, Trấn Biên, Tam Hiệp, Long Bình, Trảng Dài, Hố Nai, Long Hưng, Phước Tân và Tam Phước.
Đáng chú ý, trong đó có đề xuất sáp nhập 6 phường gồm Bửu Long, Quang Vinh, Trung Dũng, Thống Nhất, Hiệp Hòa và An Bình để hình thành đơn vị hành chính mới mang tên Trấn Biên – đơn vị có quy mô dân số hơn 197.000 người, được đánh giá là "siêu phường" lớn nhất toàn tỉnh sau khi sắp xếp.
Tại TP. Long Khánh, số đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm từ 13 xuống còn 5 đơn vị, gồm: Long Khánh, Bình Lộc, Hàng Gòn, Bảo Vinh và Xuân Lập.
Một loạt các huyện trọng điểm khác cũng thực hiện đề án tinh gọn:
Huyện Long Thành (nơi triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành) sẽ từ 14 đơn vị còn 5, gồm: Long Thành, Bình An, Long Phước, Phước Thái.
Huyện Nhơn Trạch, đầu tàu công nghiệp phía Nam giáp TP. HCM, giữ lại 3 đơn vị: Nhơn Trạch, Đại Phước, Phước An.
Huyện Thống Nhất giảm từ 10 xuống còn 3 đơn vị: Thống Nhất, Dầu Giây, Gia Kiệm.
Huyện Trảng Bom tinh gọn từ 17 xuống 5 đơn vị: Trảng Bom, An Viễn, Bình Minh, Bàu Hàm, Hưng Thịnh.
Huyện Cẩm Mỹ giữ lại 5 đơn vị: Cẩm Mỹ, Sông Ray, Xuân Quế, Xuân Đông, Thừa Đức.
Huyện Xuân Lộc – nơi có đỉnh núi Chứa Chan, được mệnh danh là "nóc nhà Đồng Nai" – sẽ còn 6 đơn vị: Xuân Lộc, Xuân Định, Xuân Phú, Xuân Thành, Xuân Bắc, Gia Ray.
Huyện Định Quán từ 14 xã giảm còn 5 đơn vị: La Ngà, Định Quán, Thanh Sơn, Phú Vinh, Phú Hòa.
Huyện Tân Phú đề xuất giữ lại 5 đơn vị: Tà Lài, Nam Cát Tiên, Tân Phú, Phú Lâm, Đắc Lua.
Huyện Vĩnh Cửu, nơi có hồ Trị An và hệ sinh thái rừng ngập nước đa dạng, sẽ còn lại 4 đơn vị hành chính: Tân Triều, Phú Lý, Trị An, Tân An.
Đề án sắp xếp này là một phần trong chủ trương lớn của Chính phủ nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Theo thống kê, top 5 địa phương có quy mô kinh tế (GRDP) lớn nhất cả nước năm 2024 gồm TP. HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng. Trong đó, GRDP của tỉnh Đồng Nai (theo giá so sánh năm 2010) đạt hơn 260.200 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 8,02% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này không chỉ vượt mục tiêu đề ra (từ 6,5% đến 7%) mà còn cao hơn mức tăng trưởng của năm 2023 (5,41%).
Bên cạnh đó, GRDP bình quân đầu người tại Đồng Nai ước đạt 148,94 triệu đồng, vượt qua mục tiêu 148 triệu đồng/người.
TP giàu nhất Việt Nam chuyển trụ sở dôi dư sau sắp xếp thành trường học, bệnh viện phục vụ dân sinh
Tập đoàn TH muốn xây trường đại học tại tỉnh nhỏ nhất Việt Nam