Vĩ mô

Sau sáp nhập, TPHCM có thể xây khu kinh tế biển với quy chế đặc biệt như Dubai

vietnamnet.vn 01/05/2025 - 07:27

Sau khi sáp nhập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM sẽ sở hữu chiều dài bờ biển đáng kể và hoàn toàn có thể học hỏi Dubai bằng cách xây dựng một khu kinh tế biển với quy chế đặc biệt, tương tự như mô hình Dubai Maritime City.

Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng và triển khai một chiến lược phát triển kinh tế biển xanh (blue economy), là mô hình phát triển gắn liền với biển, đảm bảo sự bền vững của hệ sinh thái đại dương, vừa bảo vệ môi trường vừa khai thác hợp lý có đầu tư tái tạo.

Trụ cột mới của các ngành kinh tế xanh dương

Các ngành kinh tế xanh dương bao gồm: cảng biển và logistics xanh, du lịch biển sinh thái, năng lượng tái tạo ngoài khơi (gió, sóng, thủy triều), nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững. Đặc biệt, ngành xây dựng và phát triển bất động sản ven biển, lấn biển và phát triển trên các đảo nhân tạo đang nổi lên như một trụ cột mới.

Trong bối cảnh quỹ đất đô thị cạn kiệt, chi phí đền bù giải tỏa quá cao, thời gian thực hiện dự án kéo dài và hạ tầng hiện hữu đã quá tải thì hướng ra biển là một chiến lược đầy tiềm năng. Đây chính là con đường mà các quốc gia như Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã và đang đi rất thành công, điều mà tôi đã có dịp trực tiếp quan sát.

Từ năm 1995 đến nay, UAE đã triển khai hàng trăm dự án lấn biển và đảo nhân tạo. Theo số liệu Ngân hàng Thế giới và của trang web chính phủ, diện tích UAE là 71.020km2. Thực tế, diện tích UAE ngày nay là 83.600km2, tăng thêm rất đáng kể và vẫn tiếp tục mở rộng.

Các dự án tiêu biểu có thể kể đến như: Palm Jumeirah (5,72km2), The World Islands (với 300 đảo nhân tạo, 9,31km2), Palm Jebel Ali (13,4km2), Deira Island, hay còn gọi là Dubai Islands (17km2), Yas Island (25km2)... UAE hiện là 1 trong 5 quốc gia lấn biển nhiều nhất thế giới, bên cạnh Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc.

W-Bà Rịa Vũng Tàu Nguyễn Huế 3.jpg
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Nguyễn Huế

Bất động sản ven biển, đặc biệt tại các khu đô thị mới và đảo nhân tạo, đang trở thành cực phát triển quan trọng cho kinh tế Dubai. Nếu được thực hiện đúng cách kết hợp quy hoạch xanh, hạ tầng xanh, giao thông xanh, năng lượng xanh thì các khu đô thị ven biển và đảo nhân tạo có thể thay đổi toàn bộ diện mạo đô thị và vị thế quốc tế của TPHCM .

Đây cũng là bài học quý giá từ UAE: khi các khu đô thị mới hiện đại thu hút cư dân và đầu tư thì các đô thị cũ như Bur Dubai, Deira, Dubai Creek dần trở nên lỗi thời. Giá đất tại các khu cũ giảm tương đối, mở ra cơ hội tái thiết theo hình thức “cuốn chiếu”.

Mỗi mét vuông đất tại Dubai hiện nay có giá trung bình 3.515-7.287 USD. Như vậy, 700km2 đất lấn biển và đảo nhân tạo có giá trị tối thiểu 246.000 tỷ USD - gấp hơn 5 lần GDP của Việt Nam hiện nay.

Khi cơ sở hạ tầng tại các khu vực này được chuẩn bị đầy đủ và các chính sách đầu tư thân thiện được ban hành, dòng vốn nước ngoài sẽ đổ vào mạnh mẽ. Đó chính là cách Dubai đã làm: chính phủ đầu tư tương đối ít vào hạ tầng ban đầu nhưng đã kích hoạt được hàng trăm tỷ USD đầu tư từ khu vực tư nhân và quốc tế.

Theo số liệu từ Cục Đất đai Dubai (Dubai Land Department), chỉ riêng năm 2024, tổng giá trị giao dịch bất động sản tại thành phố Dubai đã đạt 207 tỷ USD. Điều này cho thấy hiệu ứng rõ rệt của đòn bẩy hạ tầng, chính sách, và đầu tư tư nhân.

Những điều TPHCM có thể học hỏi

TPHCM hoàn toàn có thể học hỏi Dubai bằng cách xây dựng một khu kinh tế biển với quy chế đặc biệt, tương tự như mô hình Dubai Maritime City.

Đây là một khu đô thị - công nghiệp - cảng biển tích hợp trên một bán đảo nhân tạo, nơi kết hợp tài chính hàng hải, logistics biển, học viện đào tạo và khu dân cư cao cấp. Mô hình này chính là một phần quan trọng trong chiến lược kinh tế xanh dương của UAE.

huyen can gio.jpg
Huyện Cần Giờ, TPHCM nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Huế

Cần lưu ý việc lấn biển và xây dựng các đảo nhân tạo phải đi kèm với bảo vệ sinh thái biển, đa dạng sinh học, đặc biệt cần bảo vệ nghiêm ngặt khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ - lá phổi xanh quý hiếm và là niềm tự hào của TPHCM.

Mở rộng ra phạm vi quốc gia, Việt Nam có lợi thế đặc biệt với hơn 3.260km bờ biển, gần 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), hệ sinh thái biển đa dạng, khoảng 40% dân số sinh sống tại các tỉnh ven biển, cùng 34 cảng biển, nuôi trồng và khai thác 9,06 triệu tấn năm 2024 và tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi lên đến 600GW (theo World Bank). Du lịch biển đảo hiện cũng đóng góp tới 70% tổng doanh thu du lịch quốc gia.

Vì vậy, không chỉ riêng TPHCM mà Việt Nam cần một chiến lược quốc gia phát triển kinh tế xanh dương, với quy hoạch không gian biển, đầu tư trọng điểm, thu hút công nghệ và cải cách thể chế tương thích. Hướng ra biển chính là không gian phát triển chiến lược cho thế kỷ 21.

>> Thành phố đầu tiên của Việt Nam sẽ nghiên cứu, xây dựng ‘đô thị trên biển’ giống Dubai

Loạt công trình giao thông thay đổi diện mạo TPHCM

Đô thị TPHCM hiện đại sau 50 năm đất nước thống nhất

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/sau-sap-nhap-tphcm-co-the-xay-khu-kinh-te-bien-voi-quy-che-dac-biet-nhu-dubai-2395105.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sau sáp nhập, TPHCM có thể xây khu kinh tế biển với quy chế đặc biệt như Dubai
    POWERED BY ONECMS & INTECH