Sau Tết, doanh nghiệp và tiểu thương quay quắt trước cảnh tượng này
Sau Tết Nguyên đán 2025, tình trạng sức mua giảm mạnh đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh tại các chợ truyền thống và siêu thị.
Những ngày sau Tết, không khí tại nhiều khu chợ truyền thống tại TP.HCM trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết. Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), nhiều quầy sạp vẫn đóng cửa, một số treo bảng sang nhượng vì không trụ nổi. Ngay cả những vị trí đắc địa trong chợ, vốn là “mặt tiền vàng” thu hút đông khách, nay cũng bỏ trống.
Không riêng chợ Bà Chiểu, các tiểu thương tại chợ Tân Định (quận 1) cũng chung cảnh ngộ. Bà Nguyễn Thị Hương, một tiểu thương bán thịt tại đây, cho biết sức mua trong những ngày đầu năm chỉ đạt khoảng 30% so với ngày thường và giảm đến 50-60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tuyết, người có hơn 40 năm kinh doanh va li, túi xách, chia sẻ rằng chưa năm nào tình hình ế ẩm như hiện tại. Trước đây, tháng giêng là thời điểm buôn bán nhộn nhịp vì Việt kiều về quê mua sắm. Nhưng năm nay, có những ngày bà chỉ bán được một món hàng.
Không chỉ chợ truyền thống, các siêu thị và trung tâm thương mại cũng ghi nhận lượng khách sụt giảm đáng kể. Tại một số siêu thị điện máy như Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim (quận Bình Thạnh), số lượng khách ra vào đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả các chuỗi siêu thị chuyên thực phẩm như Bách Hóa Xanh, Kingfoodmart, LotteMart cũng trong tình trạng vắng vẻ hơn nhiều so với mọi năm.
![]() |
Ế ẩm là tình trạng chung của chợ lẫn siêu thị truyền thống. Ảnh minh họa |
>> Thị trường trong nước ổn định, sức mua được phục hồi 
Lý giải về tình trạng chợ và siêu thị ế ẩm, nhiều người tiêu dùng cho rằng họ buộc phải cắt giảm chi tiêu do kinh tế khó khăn. Không chỉ các mặt hàng không thiết yếu bị ảnh hưởng, mà ngay cả thực phẩm – nhu cầu cơ bản hằng ngày – cũng ghi nhận sức mua suy giảm. Một số doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cho biết dù giá bán không tăng đáng kể, nhưng người tiêu dùng vẫn có xu hướng hạn chế mua sắm.
Trước tình hình khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách thay đổi chiến lược kinh doanh. Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho biết doanh số mùa Tết của công ty đã giảm khoảng 10-15% so với năm trước. Sau Tết, doanh nghiệp tiếp tục chạy chương trình khuyến mãi đến hết tháng 2, nhưng sức mua vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Ông cho rằng trong bối cảnh hiện tại, việc duy trì giá cả hợp lý là giải pháp cần thiết để kích cầu.
Một số doanh nghiệp khác chọn cách thu hẹp quy mô để duy trì hoạt động. Ông Nguyễn Minh, chủ Happy Flower cho biết ngay đầu năm 2025, thương hiệu đã phải chuyển cửa hàng về địa điểm nhỏ hơn, xa trung tâm hơn và cắt giảm một nửa nhân sự. Ngoài ra, tôi cũng đang tính đến việc mở rộng sang lĩnh vực ẩm thực để có thêm nguồn thu.
Tương tự, ông Bùi Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Thái Thịnh (Lâm Đồng), cho biết đơn vị của ông đã phải điều chỉnh cách thức sản xuất, tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh thay vì trồng tràn lan các loại rau phổ thông như bắp cải, xà lách.
Không đứng ngoài cuộc, các hệ thống siêu thị lớn cũng đang đẩy mạnh chương trình khuyến mãi để kích cầu. Ông Võ Trần Ngọc, Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op, cho biết hệ thống đang triển khai chương trình giảm giá 30-50% với nhiều mặt hàng thiết yếu trong 30 ngày sau Tết.
Theo các chuyên gia kinh tế, tình hình kinh doanh trong năm 2025 có thể vẫn còn nhiều thách thức. Nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng nếu thu nhập người dân không được cải thiện, sức mua sẽ khó phục hồi trong thời gian tới.
Trong bối cảnh này, việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh để phù hợp với nhu cầu mới của thị trường sẽ là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp. Các chương trình kích cầu, khuyến mãi và cải tiến sản phẩm sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới.