Bài học kinh doanh

63% người Việt tăng sức mua vào mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp phân phối ICT mở rộng ‘sân chơi’ mảng tiêu dùng

Đăng Long 04/12/2024 09:00

Mốc 2.343 tỷ USD là GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) của Việt Nam dự báo sẽ đạt được vào năm 2029.

Sức mua của người dân Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, định hình lại thị trường với những xu hướng đầy tiềm năng. Từ nhu yếu phẩm, quần áo đến sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Người Việt không chỉ mở rộng chi tiêu mà còn đòi hỏi cao hơn về chất lượng và giá trị bền vững.

Đón đầu sự thay đổi trong hành vi mua sắm, các doanh nghiệp phân phối ICT đua nhau mở rộng hoạt động sang hàng thiết yếu và sản phẩm tiêu dùng nhanh, tạo nên một bức tranh kinh doanh sôi động và đầy tiềm năng.

Sức mua sớm đạt 4.015 USD vào năm 2030

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) của Việt Nam dự kiến sẽ đạt khoảng 1.559 tỷ USD vào năm 2024 và tăng lên 2.343 tỷ USD vào năm 2029.

Đồng thời, McKinsey Việt Nam dự đoán rằng đến năm 2030, 75% dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp tiêu dùng, với mức chi tiêu trung bình trên 11 USD/ngày, tương đương 4.015 USD/năm theo PPP. Như vậy, sức mua của người Việt không chỉ tăng trưởng mạnh mẽ mà còn chuyển dịch tích cực trong cơ cấu kinh tế và hành vi mua sắm.

63% người Việt tăng sức mua vào mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp phân phối ICT mở rộng ‘sân chơi’ mảng tiêu dùng
GDP (PPP) của Việt Nam với xu hướng tăng trưởng trung bình hàng năm dự kiến (CAGR) là 8,49%

Bên cạnh, thói quen chi tiêu của người Việt cũng đang thay đổi rõ rệt. Theo khảo sát từ PwC, trong năm tới, 63% người Việt dự kiến tăng ngân sách cho các mặt hàng thiết yếu, 52% hướng đến quần áo và 48% tập trung vào các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Đặc biệt, yếu tố bền vững đang trở thành một phần quan trọng trong quyết định chi tiêu. Báo cáo cho thấy 94% người Việt nhận thức rõ ràng về tác động của biến đổi khí hậu, cao hơn mức trung bình khu vực là 88%.

>> Nhập cuộc ‘đường đua’ 13 tỷ USD, doanh nghiệp bán lẻ mở lối tăng trưởng lợi nhuận

Bùng nổ sức mua: Cuộc đua đa ngành của các doanh nghiệp phân phối ICT

Trong bối cảnh sức mua đang bật tăng, thị trường chứng kiến sự bùng nổ trở lại của các ngành hàng thiết yếu, thúc đẩy nhiều doanh nghiệp phân phối ICT như Digiworld (DGW), Thế giới Di động (MWG), FPT Retail (FRT)... mở rộng hoạt động sang lĩnh vực tiêu dùng nhanh và các sản phẩm hàng ngày.

Digiworld – doanh nghiệp Top đầu đầu trong ngành phân phối ICT, đang hoàn thiện hệ sinh thái đa dạng trên 16.000 điểm bán: Từ thiết bị công nghệ, đồ gia dụng, đến dịch vụ bảo hành, tài chính và hàng thiết yếu. Digiworld trở thành đối tác của nhiều thương hiệu: Gigabyte, Philips, Kospet… và mở thêm kênh Horeca, bên cạnh kênh phân phối truyền thống (General trade) và hiện đại (Modern trade). Tính riêng mảng tiêu dùng, Digiworld đã hợp tác với 8 tập đoàn lớn như: Lion Corporation, AB Inbev, Lotte Chilsung, Nestle…

Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2024, Digiworld ghi nhận 16.219 tỷ đồng doanh thu thuần và 302 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 16% và 11% so với cùng kỳ, củng cố vị thế dẫn đầu của mình.

63% người Việt tăng sức mua vào mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp phân phối ICT mở rộng ‘sân chơi’ mảng tiêu dùng
Cơ cấu doanh thu và bán hàng của Digiworld (DGW) 9 tháng đầu năm 2024

Theo ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld, trong năm 2025, công ty sẽ M&A mới vào các nhãn hàng hoặc kênh phân phối mới, ưu tiên trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG) và thiết bị văn phòng. Như vậy, dù doanh thu từ ngành hàng tiêu dùng hiện chỉ chiếm 4% tổng cơ cấu sau 9 tháng đầu năm, đây được xem là mảng đầy tiềm năng tăng trưởng. Digiworld kỳ vọng sẽ thu về 1.200 tỷ đồng doanh thu từ mặt hàng tiêu dùng trong cả năm 2024, tăng trưởng 78% so với cùng kỳ – mức tăng trưởng mạnh nhất trong 5 ngành hàng kinh doanh chiến lược của công ty.

63% người Việt tăng sức mua vào mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp phân phối ICT mở rộng ‘sân chơi’ mảng tiêu dùng
Cơ cấu doanh thu dự kiến năm 2024 của Digiworld

Bên cạnh Digiworld, Thế giới Di động (MWG) và FPT Retail (FRT) cũng gia tăng lợi nhuận nhờ đẩy mạnh vào hàng thiết yếu.

Thế Giới Di Động tiếp tục tập trung vào chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh, kinh doanh thực phẩm tươi sống như rau củ, thịt, sữa cùng các mặt hàng FMCG. Với hơn 1.700 siêu thị phủ khắp toàn quốc, Bách Hóa Xanh không chỉ mang đến trải nghiệm mua sắm tiện lợi mà còn ghi điểm nhờ danh mục sản phẩm đa dạng và giá cả cạnh tranh.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Thế Giới Di Động đạt doanh thu 99.767 tỷ đồng, tăng 15% và lợi nhuận sau thuế 2.881 tỷ đồng, gấp 37 lần cùng kỳ, hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu cả năm và vượt xa mục tiêu lợi nhuận.

FPT Retail cũng không kém cạnh khi đẩy mạnh đầu tư vào chuỗi nhà thuốc Long Châu, với hơn 1.000 cửa hàng trên toàn quốc. Long Châu không chỉ cung cấp dược phẩm mà còn mở rộng sang các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng thiết yếu, đáp ứng mọi nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu 28.657 tỷ đồng, trong đó doanh thu trực tuyến tăng 19%, lợi nhuận trước thuế 358 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch năm. Riêng Long Châu đóng góp 18.000 tỷ đồng doanh thu, chiếm 62% tổng doanh thu, với mức tăng trưởng ấn tượng 62% so với cùng kỳ năm trước.

>> Đón cú hích từ tầng lớp trung lưu, cổ phiếu bán lẻ được kỳ vọng bứt phá

SSI: Chuỗi nhà thuốc An Khang của MWG có thể lỗ hàng trăm tỷ trong giai đoạn 2024-2025

Sức hút từ thị trường đồ cũ: Các doanh nghiệp cạnh tranh, chia phần ‘miếng bánh’ tỷ USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/63-nguoi-viet-tang-suc-mua-vao-mat-hang-thiet-yeu-doanh-nghiep-phan-phoi-ict-mo-rong-san-choi-mang-tieu-dung-263652.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    63% người Việt tăng sức mua vào mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp phân phối ICT mở rộng ‘sân chơi’ mảng tiêu dùng
    POWERED BY ONECMS & INTECH