SCB khẳng định không liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và Đầu tư An Đông

09-10-2022 12:35|Minh Anh

Đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) khẳng định, tại ngân hàng, quyền lợi của khách hàng được đặt ở vị trí cao nhất; các nhu cầu, thắc mắc của khách hàng trong mọi tình huống sẽ được xử lý một cách tận tâm, trọn vẹn.

Ngày 7/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan và 3 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 - 2019.

Đến ngày 8/10, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết: Ngân hàng này đã rà soát và khẳng định Công ty Đầu tư An Đông không phải cổ đông của SCB và bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó việc các cá nhân vừa bị bắt không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB.

“Ngân hàng cam kết có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng của SCB theo quy định của pháp luật”, thông cáo của SCB nêu rõ.

Theo SCB, tại ngân hàng, quyền lợi của khách hàng được đặt ở vị trí cao nhất. Các nhu cầu, thắc mắc của khách hàng trong mọi tình huống sẽ được xử lý một cách tận tâm, trọn vẹn. SCB rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, ủng hộ và tin tưởng của khách hàng, cổ đông trong thời gian tới.

Cùng ngày, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

NHNN khuyến cáo người dân có tiền gửi tại SCB cần thận trọng trước khi quyết định rút tiền gửi, nhất là những khoản tiền gửi rút trước hạn vì khi đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình đáng ra được hưởng về lãi suất có thời hạn tại SCB.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng là một trong những vấn đề rất quan trọng trong nhiều năm qua. NHNN và các bộ, ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, chính sách để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống các tổ chức tín dụng.

Trong thời gian tới, NHNN đã và sẽ tiếp tục có những biện pháp cụ thể quyết liệt để đảm bảo an toàn hoạt động chung cũng như của Ngân hàng SCB; đồng thời có những biện pháp theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại ngân hàng.

“Chúng tôi cũng mong rằng, những người gửi tiền, những khách hàng vay vốn tại SCB sẽ tiếp tục hợp tác trên tinh thần tích cực, để tạo điều kiện cho sự hoạt động ổn định, liên tục của ngân hàng trong thời gian tới”, ông Đào Minh Tú nói.

Ngày 26/12/2011, Thống đốc NHNN chính thức cấp Giấy phép số 283/GP-NHNN về việc thành lập và hoạt động Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trên cơ sở hợp nhất tự nguyện 3 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank). Ngân hàng TMCP Sài Gòn (sau hợp nhất) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2012. Sau 12 năm, ngân hàng này vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch.

Cập nhật đến cuối quý II/2022, vốn điều lệ của SCB (kể từ 30/6/2021 là 20.020 tỷ đồng; tổng tài sản của SCB là hơn 760.000 tỷ đồng, lượng tiền gửi của khách hàng hơn 595.440 tỷ đồng - tăng hơn 16% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay tăng 8% ở mức 389.790 tỷ đồng.

Sau 6 tháng đầu năm, lãi trước thuế của ngân hàng mẹ SCB là 682 tỷ đồng - tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng giống như các kỳ báo cáo trước, báo cáo tài chính quý II/2022 của SCB chỉ công bố các thông tin cơ bản mà không có thuyết minh báo cáo tài chính cũng như không phân tích chất lượng tài sản, nhóm khách hàng cho vay,…. Do đó, những khách hàng lớn nào đang là “con nợ” lớn nhất của SCB vẫn là ẩn số.

HĐQT SCB hiện có 3 thành viên gồm: Chủ tịch HĐQT Bùi Anh Dũng (giữa), Phó Chủ tịch HĐQT Henry Sun Ka Ziang và Thành viên HĐQT Nguyễn Phương Hồng. Xem chi tiết

SCB từng gây chú ý khi bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc trẻ nhất trong ngành vào tháng 5/2021 đối với ông Trương Khánh Hoàng (sinh năm 1986). Trước khi ông Hoàng làm quyền tổng giám đốc, SCB đã thay đổi tổng giám đốc 3 lần trong vòng 10 tháng.

SCB liên tục có sự biến động về vị trí nhân sự cấp cao. Chỉ trong 3 tháng gần đây, SCB đã bổ nhiệm 6 phó tổng giám đốc.

Hiện tại, Hội đồng quản trị SCB có 3 người gồm: Chủ tịch HĐQT Bùi Anh Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT Sun Ka Ziang Henry (sn 1957), và thành viên HĐQT Nguyễn Phương Hồng. Bà Hồng hiện cũng là trợ lý CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - người vừa bị Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Thành viên HĐQT độc lập của SCB vừa mới đột ngột qua đời vào ngày 7/10. Ông Thành cũng được biết đến là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI).

“Con nợ” lớn nhất của SCB vẫn là ẩn số

Các doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát nợ hơn 52.000 tỷ đồng trái phiếu

4 doanh nghiệp bất động sản liên quan đến Vạn Thịnh Phát nhận án phạt

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/scb-khang-dinh-khong-lien-quan-den-ba-truong-my-lan-va-dau-tu-an-dong-152529.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    SCB khẳng định không liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và Đầu tư An Đông
    POWERED BY ONECMS & INTECH